Chủ trương đưa ra các gói cấp bù lãi suất lần này là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng phải lựa chọn đúng và trúng đối tượng mới mang lại hiệu quả

Chủ trương đưa ra các gói cấp bù lãi suất lần này là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng phải lựa chọn đúng và trúng đối tượng mới mang lại hiệu quả

Cần chọn đúng đối tượng hỗ trợ cấp bù lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên thì với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay là rất khó khăn, cho nên Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ”, song nguồn vốn hỗ trợ cần được lựa chọn đúng và trúng đối tượng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, kinh tế bị gãy đổ không phải do nội tại thị trường, mà là vì phòng chống đại dịch Covid-19, vì vậy, nhiều hoạt động kinh tế sẽ tự phục hồi sau giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên thì với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay là rất khó khăn, cho nên Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ”, song nguồn vốn hỗ trợ cần được lựa chọn đúng và trúng đối tượng.

Đánh giá của ông về việc Bộ Tài chính dự kiến “xuất quỹ” 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch?

Gói cấp bù lãi suất này đang được Bộ Tài chính nghiên cứu để trình lên Thủ tướng Chính phủ, trước khi được đưa vào chương trình nghị sự để Quốc hội thông qua. Theo tôi, đề xuất này là hợp lý, nhưng để thành công thì cần rút kinh nghiệm của giai đoạn 2009-2010, không nên cho vay đại trà, mà cần có sự lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ gắn với tái cơ cấu, bởi nếu làm đại trà sẽ khiến thị trường bị méo mó, nợ xấu tăng...

Thực tế, với những doanh nghiệp có tiềm lực, hoạt động hiệu quả thì sau khi mở cửa kinh tế trở lại họ vẫn duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên có thể không cần đến nguồn vốn hỗ trợ cấp bù lãi suất. Thay vào đó, cần tập trung vào những doanh nghiệp gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch, song cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng về ngành nghề, đối tượng doanh nghiệp cho vay để hạn chế rủi ro.

Nói cách khác, chủ trương đưa ra các gói cấp bù lãi suất lần này là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng phải lựa chọn đúng và trúng đối tượng mới mang lại hiệu quả. Việc xác định các đối tượng, ngành nghề cần hỗ trợ dựa trên 3 tiêu chí là đóng góp nhiều vào cơ cấu kinh tế, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự phục hồi.

Để kích cầu kinh tế, một trong những giải pháp đưa ra cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đánh giá của ông về tình hình đầu tư công hiện nay?

TS. Trần Du Lịch
TS. Trần Du Lịch

Trước hết, đầu tư công cần được xem như là một công cụ chính để kích thích, thu hút vốn đầu tư tư nhân. Song, kích thích đầu tư tư nhân cũng phải hướng nguồn vốn vào đúng chỗ và không tràn lan. Tiếp đó, ý nghĩa của đầu tư công là kích thích tổng cầu nền kinh tế, lấy ví dụ tại TP.HCM, các số liệu nghiên cứu cho thấy, cứ 1 đồng vốn đầu tư công trong 10 năm qua thì thu hút được 8-10 đồng vốn tư nhân. Vì vậy, cần lựa chọn khu vực để sự hỗ trợ có tác dụng lan tỏa cao nhất.

Chẳng hạn, tất cả chương trình dự án đầu tư công giai đoạn 2020-2030 đều cần thực hiện nhanh như hạ tầng giao thông, nhà ở cho người dân, chống ngập..., nhưng quan trọng hơn vẫn là nâng cao hiệu quả hành chính công và quản trị công theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm, chứ không phải xin- cho. Từ đó cho thấy, ý nghĩa của đầu tư công là rất lớn, nhưng phải đầu tư có hiệu quả và phải xem lại danh mục đầu tư ưu tiên thì mới có hiệu quả “kép”, còn nếu đầu tư dàn trải và không tháo gỡ được các điểm nghẽn trong hấp thụ vốn (cả đầu tư công và tư nhân) thì khó đạt hiệu quả. Cụ thể, ở TP.HCM, hiện có hơn 100 dự án bất động sản bị tắc thủ tục pháp lý trong nhiều năm qua, nếu gỡ được nút thắt này sẽ thu hút được nguồn vốn rất lớn.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ cần có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thành công?

Hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều không còn nhiều, vì chính sách tài khoá đang vướng trần nợ công và bội chi ngân sách cùng áp lực phải trả nợ hàng năm so với tổng cung ngân sách. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, trước hết cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa 2 chính sách này.

Tiếp đó, cả đầu tư công và hỗ trợ lãi suất tín dụng ngân hàng cần được hướng vào những dự án có hiệu quả. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi phải có sự kiểm soát chặt chẽ, sự chọn lọc kỹ lưỡng đối tượng hỗ trợ, thay vì hỗ trợ một cách đại trà sẽ gây ra lạm phát và nợ xấu như giai đoạn trước đây. Chỉ có một rủi ro mà chúng ta không thể lường trước đó là khi đưa dòng tiền ra nền kinh tế, nếu dịch bệnh bùng phát trở lại và phải tiếp tục đóng cửa nền kinh tế thì sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ.

Nợ xấu trong đầu tư công cũng như từ hoạt động tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh vẫn là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, thưa ông?

Vấn đề này đã được Ngân hàng Nhà nước tính đến trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư địa để hỗ trợ lãi suất rất hẹp, nhưng vẫn có thể giảm tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, khi gói cấp bù lãi suất được thông qua, dòng tiền đưa ra thị trường và chảy vào các dự án hiệu quả nên cũng không quá lo nợ xấu sẽ tăng tăng mạnh.

Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng sẽ tăng lên mức 7-8% vào cuối năm nay và tỷ lệ này có thể chấp nhận được. Các ngân hàng cũng phải tăng trích lập dự phòng, từ đó tăng độ bao phủ nợ xấu để chống đỡ rủi ro.

Làn sóng Covid thứ 4 tác động nặng nề đến nền kinh tế, doanh nghiệp nên nợ xấu tăng là điều khó tránh. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, chúng ta đã chủ động hơn những lần trước đó nên áp lực nợ xấu tăng cũng đỡ hơn.

Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, có ý kiến cho rằng, nên sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối quốc gia để cho vay doanh nghiệp kích cầu nền kinh tế, quan điểm của ông ra sao?

Không thể nói như vậy được, vì quỹ ngoại hối là quỹ dự trữ của quốc gia nên không thể dùng để hỗ trợ doanh nghiệp vay kích cầu kinh tế. Vả lại, quỹ ngoại hối là công cụ để Ngân hàng Nhà nước phát hành tiền và thu về ngoại tệ. Vì thế, cơ quan này cũng khẳng định, không thể tùy tiện sử dụng và tôi cho là rất đúng.

Theo ông, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý IV/2021 cũng như quý I/2022 sẽ cải thiện hơn khi dịch bệnh dần được kiểm soát?

Tất cả các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt một mặt giúp kiểm soát dịch bệnh lây lan, nhưng mặt khác cũng làm nghẽn mạch dòng chảy vốn. Để hạn chế tình trạng này, trước mắt cần triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách linh hoạt, hiệu quả để có thể phục hồi nền kinh tế nhanh nhất trong 2 tháng cuối năm nay, khi đó sức hấp thụ vốn cũng sẽ tăng trở lại.

Tiếp đó, nếu gỡ được các điểm nghẽn về thủ tục đầu tư công ở những dự án trọng điểm thì khả năng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 90-95% như Chính phủ đề ra là rất tốt. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tín dụng như bù lãi suất cũng cần được kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp và ngân hàng, song song với cải thiện môi trường đầu tư. Đây sẽ là điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công và tín dụng tăng trưởng trở lại trong quý I/2022, khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn.

Tin bài liên quan