Cần chính sách niêm yết lần đầu phù hợp hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc đã chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển thị trường vốn tốt trên thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần nhìn nhận về chính sách phát triển thị trường chứng khoán trên 4 nhóm chủ chốt.

Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc.

Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán nợ (trái phiếu) cần một quy trình phát hành phù hợp với điều kiện Việt Nam và đẩy mạnh việc bắt buộc xếp hạng trái phiếu khi phát hành, cho cả trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Điều này tạo cho nhà đầu tư thói quen đánh giá mức giá hợp lý để mua trái phiếu sau khi cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro.

Song song đó, phải yêu cầu sự minh bạch về tài chính của các công ty tư nhân muốn phát hành nợ. Một bộ chuẩn mực kiểu IFRS cho công ty tư nhân cần được áp dụng như ở nhiều nước phát triển (họ có chuẩn mực riêng cho công ty niêm yết và một chuẩn mực lỏng hơn áp dụng cho các công ty tư nhân, nhưng vẫn đáp ứng đủ độ minh bạch để các công ty này tiếp cận thị trường vốn).

Thứ hai, với thị trường cổ phiếu, cần xem xét lại quy định công ty phải có lợi nhuận mới được niêm yết cổ phiếu như hiện nay hay không (Theo quy định hiện hành, để đưa cổ phiếu lên niêm yết, doanh nghiệp buộc phải có lãi trên báo cáo tài chính hai năm liền trước, có xác nhận của đơn vị kiểm toán).

Nếu áp dụng tiêu chuẩn này thì những công ty công nghệ khổng lồ như Amazon không thể niêm yết. Công ty Amazon niêm yết ở Mỹ từ 1997 nhưng đến tận 2003 mới có lãi. Quy định này khiến cánh cửa niêm yết của các công ty thuộc “nền kinh tế mới” (ví dụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học) tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận âm đóng lại.

Việt Nam có những tiêu chuẩn niêm yết quá chặt nhưng tiêu chuẩn hủy niêm yết quá lỏng.

Việc nhiều công ty ở Việt Nam liên tục có những hoạt động khuất tất và những hành vi mà giới đầu tư nhiều lần lên án là “bán giấy kiếm tiền”, vi phạm quy định về công bố thông tin và công bố thông tin trọng yếu không kịp thời, vi phạm của hội đồng quản trị… đáng lẽ đã bị dừng giao dịch để điều tra hoặc hủy niêm yết từ lâu ở các thị trường như Anh, Mỹ nhưng vẫn tồn tại ở Việt Nam.

Chúng ta cần ý thức rằng, việc cạnh tranh thu hút công ty tốt để niêm yết đã thành một trọng điểm trên toàn cầu và ngay cả Singapore cũng đang mất công ty tốt của mình về tay các đối thủ như Hồng Kông.

Hiện tượng các công ty khởi nghiệp thành công của Việt Nam dời trụ sở về Singapore là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang mất dần sức hấp dẫn trong việc thu hút các công ty nội địa có tuổi đời trẻ nhưng tăng trưởng cao niêm yết ở trong nước và chuyện buộc phải có lợi nhuận mới được niêm yết là một rào cản, bên cạnh các trở ngại khác về môi trường kinh doanh và khả năng tiếp cận vốn mạo hiểm quốc tế.

Việt Nam cần đưa ra một chính sách niêm yết cổ phiếu lần đầu phù hợp hơn trong điều kiện mới.

Việt Nam có những tiêu chuẩn niêm yết quá chặt nhưng tiêu chuẩn hủy niêm yết quá lỏng.

Thứ ba, đầu tư trái phiếu hay cổ phiếu cần được xem là một phương thức đầu tư tích lũy chuẩn bị cho ngày về hưu và do đó, cần có chính sách miễn thuế nhất định. Anh, Mỹ và Nhật Bản đều có các loại tài khoản tiết kiệm tích lũy bằng đầu tư chứng khoán, mà tiền trong đó sử dụng mua trái phiếu và cổ phiếu sẽ được miễn thuế lãi vốn, thuế cổ tức, trái tức.

Chẳng hạn, tài khoản ISA ở Anh thì một người có thể bỏ vào đó tối đa 20.000 bảng Anh mỗi năm. Tất cả giao dịch mua bán qua tài khoản ISA không chịu thuế lãi vốn, cổ tức hay trái tức...

Thứ tư, vì những thông tin chuyên sâu về xếp hạng tín nhiệm và phân tích đầu tư cổ phiếu không phải ai cũng có thời gian tìm hiểu sâu và đầy đủ, cần phải sớm đưa vào quy củ hoạt động tư vấn tài chính cá nhân để những nhà tư vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề có thể hỗ trợ người dân đầu tư đúng chỗ, chọn đúng phân khúc đầu tư cho mình.

Việc chứng nhận tư cách chuyên nghiệp nên đưa về các hiệp hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý chỉ nên đóng vai trò kiểm tra chất lượng của quy trình cấp chứng chỉ, thay vì tự mình cấp chứng chỉ, dẫn đến tình trạng độc quyền không cần thiết.

Những chính sách này lẽ ra phải triển khai từ 15 năm trước, nhưng thời điểm này cũng không phải là quá muộn.

Tin bài liên quan