Tuy nhiên, gần 1 năm sau khi áp dụng các quy định mới trên, mức độ cải thiện minh bạch thông tin của DNNN chưa mấy chuyển biến. Theo quy định hiện hành, ngày 31/5/2016 là thời hạn cuối cùng các DNNN phải công bố Báo cáo tài chính năm 2015 đã kiểm toán trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định này. Chẳng hạn, Tổng công ty Xi măng Việt Nam đến nay mới công bố Báo cáo tài chính quý II/2016 của Công ty mẹ, hay Tổng công ty Cà phê Việt Nam đến nay mới công bố báo cáo tài chính Công ty mẹ 6 tháng năm 2016. Tổng công ty Giấy Việt Nam thậm chí vẫn chưa công bố báo cáo tài chính bán niên và năm 2015.
Đề cập cụ thể hơn về sự trễ nải minh bạch thông tin của các DNNN ở góc nhìn tổng quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, việc tuân thủ Nghị định 87/2015/NĐ-CP của các DNNN về công khai thông tin tài chính đang còn nhiều yếu kém. Hiện chỉ có 20% DNNN công bố thông tin đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ minh bạch thông tin, nên bị đưa xuống loại C.
Các DNNN hiện nắm trong tay lượng vốn và tài sản rất lớn của dân, của nhà nước, với giá trị lên đến hơn 5 triệu tỷ đồng. Giá trị tài sản lớn như vậy, nhưng việc khối doanh nghiệp này chưa nghiêm túc tuân thủ nghĩa vụ minh bạch thông tin đang gây nên nhiều quan ngại.
Hệ lụy của việc DNNN kém minh bạch thông tin là khiến người dân, với tư cách là chủ sở hữu của DNNN, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước không có thông tin để giám sát hoạt động của DNNN, nhất là về tính hiệu quả trong sử dụng tài sản và vốn. Mặt khác, trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy đổi mới, cổ phần hóa DNNN, việc các doanh nghiệp này không minh bạch thông tin khiến cho nhà đầu tư khó tiếp cận thông tin sớm về doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến cả chất lượng lẫn tiến độ cổ phần hóa.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Hiếu cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm, nếu không mục tiêu thúc DNNN minh bạch thông tin như quy định hiện hành sẽ khó đạt.
Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến, DNNN thuộc sở hữu toàn dân, nên minh bạch về mọi mặt hoạt động, chứ không riêng thông tin tài chính và cần minh bạch ở cấp độ cao hơn cả doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc cấp thiết bây giờ là Chính phủ cần có các biện pháp đủ mạnh và hữu hiệu để buộc DNNN minh bạch thông tin gần bằng doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Nếu làm được, đây sẽ là một bước tiến dài đáng ghi nhận với khối doanh nghiệp này.