Axie Infinity là tựa game Việt đang khiến cả thế giới chao đảo và trở thành hiện tượng toàn cầu

Axie Infinity là tựa game Việt đang khiến cả thế giới chao đảo và trở thành hiện tượng toàn cầu

Cần chế tài kiểm soát GameFi biến tấu thành cờ bạc

0:00 / 0:00
0:00
GameFi (viết tắt của Game + Finance) chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Việc nhiều dự án bị tố khiến giới phát triển dự án GameFi làm ăn thật bị mang tiếng oan.

Dồn dập dự án bị tố

Mới đây, PinkSale - một nền tảng launchpad chuyên đóng vai trò hỗ trợ cho các dự án blockchain mới có thể huy động được vốn, đã phát ra thông báo về một dự án Floki Iron, được cho là đang có dấu hiệu lừa đảo.

Theo đó, sau khi thực hiện một cuộc điều tra sâu rộng về các sự kiện hậu presale và đợt ra mắt dự án có tên Floki Iron, PinkSale đã đưa ra kết luận rằng, những người đứng sau dự án này đã cố tình lừa dối các nhà đầu tư của họ và rút trộm tiền từ thanh khoản.

Theo các tài liệu được dự án này cung cấp, Floki Iron được phát triển trên nền tảng Binance Smart Chain, thuộc lĩnh vực Defi (tài chính phi tập trung). Dựa vào biểu tượng và tên gọi, Floki Iron (tên token: FIT) được xếp vào nhóm “memecoin” có tên động vật, tương tự như các dự án Dogecoin, Shiba Inu coin, Aquagoat hay Dolphin coin. Đáng lưu ý, trên website của Floki Iron không công khai danh tính của nhóm phát triển đứng sau.

Được biết, vào ngày 22/12/2021, Floki Iron đã tiến hành một đợt mở bán public sale (bán công khai) cho các nhà đầu tư trên PinkSale với số vốn cần huy động tối đa là 100 đồng Binance Coin (BNB). Số BNB này có giá trị quy đổi khoảng 53.500 USD vào thời điểm đó, tương đương hơn 1,2 tỷ đồng và đã được huy động hết trong vòng vài tiếng.

Tuy nhiên, khi được niêm yết trên sàn giao dịch phi tập trung PancakeSwaps sau đó 1 ngày, giá trị FIT (token của Floki Iron) đã lập tức mất toàn bộ giá trị do thanh khoản của đồng token này đã bị rút ra, theo số liệu từ PooCoin Chart. Sau đó, các kênh truyền thông của dự án này trên Twitter và Facebook đã lập tức bị xóa.

Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, việc này đồng nghĩa các nhà đầu tư tham gia vòng public sale trước đó một ngày có thể đã bị nhóm phát triển Floki Iron chiếm đoạt và biến mất.

PinkSale đã thử nhiều lần liên lạc với nhóm phát triển Floki Iron nhưng không có kết quả. Do vậy, PinkSale đã quyết định công khai toàn bộ thông tin của một loạt những người (được cho là) đứng sau dự án này. Đây đều là những thông tin cá nhân được PinkSale tự động thu thập từ KYC (know your customer hay know your client), vốn là quy trình để xác định và xác minh danh tính khi các dự án blockchain muốn đăng ký huy động vốn trên nền tảng launchpad này.

“PinkSale đã cố gắng bằng mọi cách có thể để liên hệ với chủ sở hữu và nhà phát triển, nhưng không có kết quả. Do đó, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc công khai giấy tờ tùy thân của họ để bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi sự kiện này đều có thể theo đuổi các hành động pháp lý. Chúng tôi rất coi trọng sự an toàn của người dùng PinkSale và sẽ không né tránh việc công bố thông tin cá nhân của những người sử dụng nền tảng của chúng tôi để tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp”, đại diện PinkSale cho biết.

Đáng chú ý, dựa trên các thông tin gồm ảnh chụp chân dung cận cảnh, ảnh chụp chứng minh nhân dân được PinkSale công bố công khai, nhiều nhà đầu tư đã nhận ra các cá nhân này đều là người Việt. Việc phân tích địa chỉ IP cũng cho thấy các cá nhân này hiện đang sinh sống tại Hà Nội, TP.HCM và Thái Nguyên. Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà đầu tư, không loại trừ khả năng những người này chỉ được thuê để làm KYC hộ và có thể không phải là đội nhóm thực sự đứng sau Floki Iron.

Đáng lưu ý, nhóm phát triển Floki Iron cũng được cho là đang thực hiện một dự án blockchain khác có tên CyberTron Planet, do đó, PinkSale khuyến cáo các nhà đầu tư không đầu tư vào vòng pre-sale của họ.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, đã có tới 2 dự án tiền điện tử của người Việt bị cáo buộc có hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Trước đó, dự án CryptoBike cũng bị tố dùng chiêu trò chiếm đoạt 1,4 triệu USD rồi bỏ trốn, khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng. CryptoBike sử dụng cơ chế lootbox, vốn yêu cầu người chơi phải đầu tư một số tiền ban đầu để mua và mở những hộp quà có chứa vật phẩm NFT (xe đạp) trong game. Người chơi sau đó dùng chính vật phẩm NFT này tham gia trò chơi và nhận về phần thưởng là token của game.

Đáng nói, mặc dù không được chăm chút về gameplay và đồ họa, CryptoBike vẫn thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư tham gia nhờ ROI (tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) lớn, khả năng hồi vốn nhanh. Theo số liệu từ Coinmaketcap, khối lượng giao dịch trong ngày của CryptoBike đã có thời điểm đạt mốc 41,6 triệu USD, dù mới chỉ ra mắt từ 25/12/2021.

Chỉ trong vòng 1 tuần, đã có tới 2 dự án tiền điện tử của người Việt bị cáo buộc có hành vi lừa đảo nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vào thời điểm trưa ngày 1/1/2022, giá trị của CB (token của CryptoBike) bất ngờ giảm tới 42 lần, từ mức 0,81 USD, xuống 0,019 USD chỉ trong vài phút. Nguyên nhân chính của đà lao dốc này tới từ việc một số địa chỉ ví đã đặt lệnh bán ra thị trường 6 triệu token CB (tương đương 60% tổng cung dự án), với giá trị lên tới gần 1,4 triệu USD.

Ngay sau khi vụ việc trên diễn ra, nhóm phát triển CryptoBike đã đăng đàn khẳng định đây là số token được dùng để trả thưởng cho người chơi, nhưng đã bị hack và bán tháo ra ngoài thị trường. Đại diện nhóm phát triển này cũng hứa hẹn “sẽ sớm kiểm tra và xử lý vụ việc”.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy hoang mang khi một loạt kênh cộng đồng trên Telegram của CryptoBike đã bị nhóm quản lý chặn bình luận, trong khi website chính của dự án này không thể truy cập.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư sau đó đã “truy vết” thành công được danh tính nhóm phát triển người Việt đứng sau CryptoBike, buộc những cá nhân này sau đó phải bồi thường.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, sáng lập FuNiX, những trường hợp này sẽ có tính giáo dục cao. Việc truy vết nhanh chóng sẽ góp phần cản trở các ý định lừa đảo, làm cho thị trường lành mạnh hơn. Việc truy vết trên mạng dễ hơn ngoài đời nhiều, vấn đề là khung pháp lý để bảo vệ người đầu tư sẽ thế nào.

Mặc dù vậy, những vụ việc của Floki Iron, CryptoBike đang vô hình trung khiến một số dự án blockchain “làm thật ăn thật” tại Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt dư luận, đặc biệt là trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc một số dự án GameFi đến từ Việt Nam gây mất niềm tin trong dư luận đang ảnh hưởng tới chiến dịch truyền thông của các dự án blockchain do người Việt phát triển, vốn được đầu tư rất nghiêm túc. Mặc dù những dự án sắp ra mắt này đều đặt mục tiêu mang lại giá trị lớn nhất cho người dùng và không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, nhưng định kiến có thể khiến cộng đồng quốc tế cảm thấy e ngại ngay cả khi chưa thực hiện quyết định đầu tư.

Xóa vết nhơ, biến thành cơ hội

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là “tiền ảo” chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Giới đầu tư GameFi tại Việt Nam cho rằng, trường hợp giống như CryptoBike không hiếm gặp, trong bối cảnh các dự án GameFi ngày càng nở rộ tại Việt Nam cũng như thế giới.

Tình trạng một lượng rất lớn token được xả mạnh ra thị trường trong một thời gian cực ngắn, khiến giá trị của đồng token lập tức chia 3, chia 5, thậm chí chia 10 chỉ trong vòng vài tiếng. Đáng nói, khi bị nhà đầu tư chất vấn, nhóm phát triển thường đưa ra các lý do rất quen thuộc như bị hack ví. Theo một số nhà đầu tư, đây thực chất chỉ là cách để nhóm phát triển bao biện việc “xả trộm” token nhằm hồi lại số tiền đã đầu tư cũng như để kiếm lợi nhuận.

Việc “biến tấu thành cờ bạc” kiểu này khiến cho những người muốn làm tử tế cũng khó. Trước đây có nhiều trường hợp hacker đi lấy thẻ tín dụng mà cho đến bây giờ vẫn còn nhiều nơi chặn hết tất cả IP của Việt Nam.

Dẫu vậy, nếu phân tích sự việc trên theo 2 gốc độ thì một phần lỗi cũng đến từ các nhà đầu tư. Họ thiếu kiến thức khi đầu tư vào một dự án kém chất lượng, đội ngũ phát triển thiếu tử tế và bị lòng tham chi phối.

Nhiều nhà đầu tư vẫn tin Việt Nam thực sự có cơ hội trở thành cường quốc trong mảng GameFi MetaVerse (không gian ảo được tạo nên từ Internet và các công cụ thực tế ảo tăng cường). Việt Nam không thiếu những nhà phát triển tử tế và có đầy đủ năng lực làm ra những dự án MetaVerse đủ sức vươn tầm quốc tế như Sky Mavis, The Parallel, Thetan Arena,… Dù có những vết nhơ như một số dự án nói trên, thì cơ hội và lợi thế của Việt Nam trong mảng này vẫn rất lớn, bởi thị trường sẽ có sự thanh lọc.

Nhà sáng lập Gotit - Hùng Trần không ít lần nhắc tới khả năng Việt Nam có cơ hội tốt để làm GameFi, sau hiện tượng Nguyễn Hà Đông khuấy đảo cả thế giới mobile game với Flappy Bird. Và giờ đây là Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Sky Mavis trở thành một trong những người ảnh hưởng nhất đến thế giới tiền ảo năm 2021, với game Axie Infinity. Không những thế, còn dẫn đầu trào lưu chơi để kiếm tiền vốn khác biệt hoàn toàn với mô hình kinh doanh game truyền thống.

“Tuy nhiên, chỉ vài dự án thành công, Việt Nam khó có thể trở thành “hổ” được, nếu không đầu tư bài bản. Giờ thêm tiếng là lừa đảo thì không ai dám đầu tư nữa, rồi toàn gà nhà đá nhau, quay lại câu chuyện cũ”, Hùng Trần nói và cho rằng, Việt Nam không cần chính sách kiểu “phá rào”, mà cần biện pháp để các hoạt động lừa đảo không được thực hiện một cách dễ dàng.

Nhưng nếu chỉ gói gọn trong góc nhìn về GameFi thì sẽ rất hạn chế. Để bền vững thì Việt Nam cần phát triển được những MetaVerse thực sự. Khi đó, GameFi chỉ là một yếu tố cấu thành hệ sinh thái và tăng sức hấp dẫn đối với người chơi - người sáng tạo nội dung - nhà đầu tư, thậm chí đủ sức thu hút các nhà phát triển lớn.

“Nếu muốn phát triển thành một ngành công nghiệp lớn thì cần sự phát triển thị trường có dung lượng cực kỳ lớn. Không ai có thể tạo ra ngành công nghiệp trong vòng vài tháng. Việt Nam mới đang có lợi thế về thời điểm, nhưng chưa có công nghệ, chưa có hệ sinh thái, bộ khung chính sách hoàn chỉnh. Nếu không nhanh, Việt Nam sẽ bất lợi hơn so với các quốc gia khác”, Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Sky Mavis cho hay.

Tin bài liên quan