Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Trần Thanh Vân.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Trần Thanh Vân.

Cần chế tài đặc biệt cho đặc khu

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Trần Thanh Vân cho rằng, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận vào ngày 16/4/2018, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên cần phải bổ sung “chế tài đặc biệt” nhằm kiểm soát, giám sát chính quyền đặc khu.

So với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Dự thảo mới dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm, ông đánh giá những điểm nào cao nhất?

Đó chính là tên luật, phạm vi điều chỉnh, tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu… Về tên luật, tôi đánh giá đây là đây là bước đột phá chưa có trong tiền lệ lịch sử lập pháp Việt Nam. Bởi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được Dự thảo xác định là đơn vị hành chính thuộc tỉnh.

Theo quy định của Hiến pháp thì việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nếu vẫn để tên là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì việc thành lập, giải thể đặc khu sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Và như vậy, địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với đặc khu nào;

Có thành lập đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong hay không hay thành lập thêm đặc khu nào nữa sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Nhưng với việc đổi tên luật thành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì địa vị pháp lý của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc không chỉ rất rõ ràng, minh bạch, mà còn có giá trị cao hơn, tạo niềm tin cho nhàđầu tư.

Phạm vi điều chỉnh có thay đổi thế nào mà ông đánh giá là đột phá?

Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo mới cũng có bước đột phá, thay vì quy định chung chung là phạm vi điều chỉnh của luật này về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu.

Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo mới quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt… nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh đối với đặc khu.

Chỉ quy định thêm từ “cơ chế, chính sách đặc biệt và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với đặc khu”, phạm vi điều chỉnh đã có bước đột phá.

Vì nếu không có cơ chế, chính sách đặc biệt thì chẳng cần thành lập đặc khu làm gì; nếu không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với đặc khu sẽ dẫn tới chồng lấn, chồng chéo về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với đặc khu thì đặc khu cũng không khác gì nhiều so với các cấp hành chính hiện nay.

Để bảo đảm tính chất đặc biệt của đặc khu, tôi đánh giá cao việc Dự thảo quy định, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức đặc biệt về chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước.

Nếu không quy định rõ ràng như vậy, khi ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội sẽ gặp rất nhiều vướng mắc do không tương thích với cả hệ thống pháp luật hiện hành về thuế khóa, sử dụng đất, tài sản bảo đảm…

Về tổ chức chính quyền đặc khu, ông đánh giá thế nào về phương án mới, tức là vẫn có HĐND và UBND nhưng có trao quyền cho chủ tịch Ủy ban đặc khu? 

Đây là mô hình tổ chức chính quyền địa phương có bước đột phá, vượt trội. Tổ chức chính quyền đặc khu vẫn có HĐND và UBND, song đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp và  có trao tối đa quyền hạn cho chủ tịch ủy ban đặc khu.

Tuy nhiên, bộ máy, tổ chức là một chuyện, còn hoạt động thế nào, minh bạch ra sao lại là chuyện khác.

Nếu cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ máy quản lý nhà nước ở đặc khu vẫn phiền hà, sách nhiễu; vẫn đòi hỏi nhà đầu tư lót tay, chi phí không chính thức thì dù có nhiều chính sách miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất, kéo dài thời gian sử dụng đất lên mức tối đa… cũng không hấp dẫn nhà đầu tư. 

Tôi cho rằng, các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho đặc khu chỉ là điều kiện cần, vì bản thân vị trí địa lý của Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong và sự đầu tư của Nhà nước cho 3 địa phương này trong những năm vừa qua đã có sức hấp dẫn nhà đầu tư vô cùng lớn.

Điều kiện đủ để hấp dẫn nhà đầu tư là làm sao tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở đây phải thực sự tinh gọn, hiệu quả; cán bộ, công chức, viên chức từ chủ tịch UBND đặc khu trở xuống không chỉ có năng lực, mà phải có tâm sáng,

Nếu không thì “đại bàng cũng không đến kiếm ăn chứ nói gì tới để đẻ trứng” vì lợi ích từ các chính sách ưu đãi về thuế khóa, đất đai đem lại có khi không đủ để nhà đầu tư chi phí không chính thức, chi phí loppy khi triển khai dự án.

Dự thảo luật đã thiết kế bộ máy quản lý nhà nước ở đặc khu thực sự tinh gọn rồi, thưa ông, như HĐND không quá 15 người, bộ máy giúp việc của UBND không quá 7 đơn vị, trao cho chủ tịch ủy ban đặc khu tới 70 nhóm quyền hạn…?

Tinh gọn, nhưng vấn đề quan trọng là phải kiểm soát được bộ máy quản lý nhà nước ở đây, đặc biệt là chủ tịch UBND đặc khu vì luật trao cho chủ tịch UBND đặc khu tới 70 nhóm quyền hạn. 

Tôi đồng tình với việc trao tối đa quyền hạn cho chính quyền đặc khu, đặc biệt là chủ tịch ủy ban đặc khu, nhưng phải bổ sung “chế tài đặc biệt” nhằm kiểm soát, giám sát theo đúng nguyên tắc quyền hạn đến đâu kiểm soát đến đó, giám sát đến đó và phải xử lý sai phạm phải cũng phải đặc biệt.

Tin bài liên quan