Ký giả để cầm cố cổ phiếu vay vốn ngân hàng
Cơ quan công tố đã truy tố Lê Văn Dũng (SN 1972, trú tại Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), cùng 6 bị cáo khác về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cụ thể, khoảng tháng 3/2010, khi khoản vay 100 tỷ đồng của DVD tại Ngân hàng TMCP An Bình đến hạn, để có tiền đảo nợ, Lê Văn Dũng có chủ trương cầm cố hơn 600.000 cổ phiếu của mình và 540.000 cổ phiếu của Đào Xuân Hưởng (SN 1976, trú tại Từ Liêm, Hà Nội), Thành viên HĐQT DVD kiêm Tổng giám đốc CTCP Liên doanh LiLi of France (LOF) – công ty con do DVD nắm giữ 97% vốn), đang lưu ký tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt. Dũng chỉ đạo cấp dưới là Cao Hồng Vân (SN 1972, trú tại quận 8, TP.HCM), Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng DVD, xây dựng hồ sơ vay vốn cho cá nhân ông Dũng và ông Hưởng.
Theo quy định của ngân hàng, để được giải ngân thì hồ sơ vay vốn phải có các tài liệu gồm: Biên bản họp HĐQT DVD về việc đồng ý nhận góp vốn của Dũng và Hưởng; Hợp đồng góp vốn, phụ lục hợp đồng góp vốn do Dũng và Hưởng ký với đại diện của DVD và mở tài khoản tiền vay cá nhân của hai người nói trên. Cao Hồng Vân đã làm giả toàn bộ số giấy tờ trên để hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng và đã được Ngân hàng An Bình giải ngân số tiền là 34 tỷ đồng, đối với hồ sơ của ông Dũng, giải ngân cho ông Hưởng 27 tỷ đồng. Số tiền này sau đó đã được chuyển vào tài khoản của DVD.
CTCP liên doanh LiLi of France
Tại Tòa, Vân thừa nhận có ký giả giấy tờ, nhưng do khi mở tài khoản của LOF, trong phần chữ ký mẫu, Vân đã ký thay chữ ký của Hưởng, nên sau này toàn bộ các chữ ký khác trong giao dịch ngân hàng Vân đều tự ký. Theo Vân, tại thời điểm đó, DVD có khả năng trả nợ dựa vào hai nguồn: thu bán hàng và thu phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó việc phát hành cổ phiếu của DVD đã bị cơ quan quản lý là Sở GDCK TP. HCM lùi lại, nên DVD không thu được vốn như dự kiến, dẫn đến không trả được nợ.
Về phần Dũng, bị cáo khai không chỉ đạo Vân việc làm giả hồ sơ, mà chỉ đồng ý cho Công ty mượn cổ phiếu để vay vốn ngân hàng.
“Bị cáo không có động cơ để làm giả (cầm cố cổ phiếu của Dũng để vay vốn ngân hàng-PV) bởi thừa sức làm thật trong vòng 24h”, bị cáo Dũng khai tại Tòa.
Đối với Hưởng, bị cáo này cũng khai không hề biết gì về việc vay vốn ngân hàng. Chỉ đến khi lên làm Tổng giám đốc thay Dũng - bị bắt về hành vi làm giá cổ phiếu, Hưởng mới phát hiện ra cổ phiếu của mình bị phong tỏa để bảo đảm cho một khoản vay 27 tỷ đồng. Sau đó Hưởng đã trình báo lên cơ quan công an.
Lập hợp đồng khống
6 tháng sau, khi khoản vay 100 tỷ đồng đến hạn, Lê Văn Dũng và Cao Hồng Vân tìm cách vay vốn của Ngân hàng Tiên Phong để “đập” vào khoản vay tại Ngân hàng An Bình. Dũng có đề nghị Ngân hàng Tiên Phong cho LOF vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Sau khi Ngân hàng Tiên Phong thẩm định đã đồng ý cấp hạn mức tín dụng cho LOF 20 tỷ đồng.
Để được giải ngân, Cao Hồng Vân đã chỉ đạo một số nhân viên tiếp tục làm giả các hợp đồng mua bán (xuất hóa đơn GTGT khống, giả con dấu và chữ ký lãnh đạo) với Công ty TNHH Thực phẩm Châu Úc (là công ty con của DVD, do Dũng lập ra) và Công ty Dược phẩm Savi. Với 3 hợp đồng này, Ngân hàng Tiên Phong đã giải ngân tổng cộng 83,5 tỷ đồng cho LOF. Sau đó, DVD cũng không có khả năng thanh toán khoản vay này.
Tuy nhiên, trong phần khai nhận trước Tòa, bị cáo Vân khai mình hoàn toàn không biết gì về quá trình thực hiện vay vốn của Ngân hàng Tiên Phong, vì bị cáo không có thẩm quyền quyết định trong việc vay vốn của LOF, bị cáo chỉ là Kế toán trưởng phụ trách khu vực miền Nam, chức Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính chỉ là trên danh nghĩa. Việc bị cáo có mặt và dự cuộc họp khi Ngân hàng Tiên phong tổ chức đoàn công tác thực tế tại Nhà máy LOF ở Bắc Ninh cũng chỉ là “tình cờ” và “bị gọi vào họp”.
Trong khi đó, bị cáo Dũng lại đổ cho bị cáo Vân tự thực hiện hành vi làm hợp đồng khống để vay vốn, Dũng chỉ có chủ trương vay vốn để đáo hạn nợ, nguồn trả nợ vẫn là thu bán hàng và phát hành cổ phiếu. Giải thích vì sao là Tổng giám đốc DVD, Chủ tịch HĐQT LOF mà Dũng không hề biết gì về hồ sơ vay vốn, Dũng khai, do DVD có phân cấp, phân quyền, việc này Dũng đã ủy quyền cho cấp dưới nên không biết gì.
Trái ngược với lời khai của Dũng, Hưởng khai, các hợp đồng này không phải do Hưởng tự quyết định, bởi theo quy trình của DVD, đối với hợp đồng trên 500.000 USD, thẩm quyền quyết định thuộc về Chủ tịch HĐQT khi đó là Lê Văn Dũng. Sau khi Dũng quyết định thì Hưởng ký và cơ chế kiểm soát là giao cho Kế toán trưởng của LOF là Lương Thị Thùy giữ con dấu. Như vậy, không thể có chuyện Hưởng ký hợp đồng nếu không có sự đồng ý của Dũng.
Theo lời khai của bị cáo Lương Thị Thùy, Vân chỉ đạo Thùy lập hợp đồng, ủy nhiệm chi… Sau khi Hưởng ký, Thùy mang sang CTCP Châu Úc đưa cho Hoàng Thị Nhung (SN 1982, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) – kế toán DVD. Nhung khai từ khi vào Công ty đã chuyên ký giả chữ ký của bà Yến, đại diện theo pháp luật của Châu Úc. Sở dĩ có việc ký giả là vì bà Yến chỉ là người đứng tên hộ tại Châu Úc.
Về hợp đồng với Savi, Thùy mang sang đưa cho Nguyễn Thị Chinh (SN 1974, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) - Trưởng ban kiểm soát DVD, nhưng Chinh đi vắng nên chỉ đạo cho Hoa Triệu Long (SN 1976, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) - nhân viên Phòng Thiết kế DVD, thực hiện việc scan dấu và chữ ký vào hợp đồng.
Qua phần xét hỏi của các bị cáo đã làm lộ ra sự quản lý chồng chéo trong nội bộ DVD và các công ty con, với việc một cá nhân kiêm nhiệm nhiều vị trí tại các công ty. Bên cạnh đó, trong khi lãnh đạo đổ trách nhiệm cho nhau, còn nhân viên khai thực hiện công việc theo sự chỉ đạo từ lãnh đạo, đã khiến cho phần tranh luận tại Tòa của các bị cáo trở nên phức tạp, nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ. Sau khi nghỉ hội ý, HĐXX cho rằng, có nhiều vấn đề không thể làm rõ tại phiên tòa, nên tuyên bố trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.