Bức tranh tài chính ấn tượng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, đến cuối năm 2016, VNG có tổng tài sản gần 3.503 tỷ đồng, trong đó số dư tiền và tương đương tiền đạt hơn 765 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn hơn 641 tỷ đồng.
Phần tài sản ngắn hạn của VNG, ngoài tiền ra, Công ty chủ yếu có các khoản phải thu, với giá trị các khoản phải thu lên tới trên 856 tỷ đồng. Với đặc thù kinh doanh phần mềm, trò chơi trực tuyến…, VNG có số dư hàng tồn kho, tài sản ngắn hạn khác ở mức rất thấp trên tổng tài sản.
Đến cuối năm 2016, VNG đã đầu tư 701 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình, nhưng khấu hao hơn 559 tỷ đồng, chỉ còn 142 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định đưa vào khai thác từ năm 2016. Điều này dẫn tới khả năng từ năm 2017, chi phí khấu hao tài sản cố định của VNG sẽ sụt giảm mạnh, do nhiều tài sản khấu hao hết, là động lực để tăng lợi nhuận, nếu các yếu tố kinh doanh khác không thay đổi.
Tương tự như tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình của VNG cũng được khấu hao tới gần 213 tỷ đồng trên tổng giá trị đầu tư ban đầu gần 335 tỷ đồng, số dư còn lại cuối năm 2016 là 122 tỷ đồng.
Một phần tài sản lớn của VNG là các khoản đầu tư tài chính dài hạn, bao gồm 68 tỷ đồng gửi ngân hàng, 111,4 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT và các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết.
Cụ thể, VNG đang sở hữu 50% và có 49% quyền biểu quyết tại All Best Asia Group Limited (Công ty đăng ký tại Sheung Wan, Hong Kong), 49% tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn, 38% tại Công ty cổ phần Tiki. Tổng giá trị các khoản đầu tư vào tài chính, đầu tư công ty liên kết là gần 470 tỷ đồng.
Tại báo cáo này, VNG đã hợp nhất báo cáo tài chính của 13 công ty con, đều là các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh của công ty mẹ.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh và Phó chủ tịch sàn chứng khoán NASDAQ Bob McCooey bắt tay sau lễ ký kết. Ảnh: Zing
Về nguồn vốn, VNG hiện chủ yếu là vốn chủ sở hữu, với tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt gần 2.881 tỷ đồng cuối năm 2016 trên vốn điều lệ 330,9 tỷ đồng. Công ty có 622 tỷ đồng nợ phải trả chủ yếu gồm thuế và khoản phải trả Nhà nước, chi phí phải trả ngắn hạn.
Điểm đáng lưu ý là, mặc dù vốn điều lệ 330,9 tỷ đồng, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất của VNG có hạch toán 1.653,8 tỷ đồng giá trị cổ phiếu quỹ, cho 9.265.676 cổ phiếu quỹ. Như vậy, mỗi cổ phiếu quỹ mà VNG mua vào có giá trung bình là 178.487,18 đồng. Nếu bán lượng cổ phiếu quỹ này ra bên ngoài với giá bằng với giá mua vào, VNG sẽ có vốn chủ sở hữu lên tới hơn 4.534 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 330,9 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính riêng lẻ, VNG phản ánh đã mua vào 6.403.236 cổ phiếu với giá mua bình quân mỗi cổ phiếu là 152.246,81 đồng.
Phần vốn chủ sở hữu hiện thời lớn tập trung chủ yếu ở khoản mục lợi nhuận chưa phân phối, với số dư trên báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 30/12/2016 là hơn 3.683 tỷ đồng.
Hiệu quả kinh doanh cao
Năm 2016, VNG đạt doanh thu thuần hợp nhất gần 3.024 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN của cổ đông công ty mẹ là 543 tỷ đồng. Như vậy, mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu đang lưu hành (23.824.554 cổ phiếu) là 22.798 đồng.
Xét theo chỉ số hiệu quả kinh doanh trên mỗi cổ phiếu, VNG tạo ra con số ấn tượng khi so sánh với bất kỳ DN niêm yết nào trên TTCK Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, khi nhìn vào mức giá mua vào trung bình của khối lượng cổ phiếu quỹ mà VNG đang có, rõ ràng, VNG sẽ là hàng “hot” nếu niêm yết.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ suất sinh lời trung bình trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VNG là 20,9% năm 2016, thì con số này không phải quá lớn.
Thống kê dựa trên dữ liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt cho thấy, trên thị trường có nhiều DN đang có mức ROE lớn hơn của VNG, nhưng thị giá khá thấp nếu so sánh với giá mua cổ phiếu quỹ của VNG.
Cổ phiếu chưa lên sàn, dù 6 năm DN là công ty đại chúng
Dữ liệu đưa ra trong bài viết này dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, mà không phải báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 hay báo cáo tài chính quý I/2017, dù trên website VNG có đường dẫn công bố đầy đủ. Lý do là, các đường dẫn từ báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên, báo cáo tài chính quý I/2017 hiện chưa hiển thị thông tin.
Trong khi đó, VNG cho biết, từ ngày 29/1/2011, VNG đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho đăng ký công ty tại chúng theo Công văn số 80/CQĐD-NV. Về cơ bản, VNG có đầy đủ các đầu mục công bố thông tin như một công ty đại chúng quy mô lớn. Trên website chính thức của VNG tại địa chỉ https//www.vng.com.vn, VNG có một mục riêng là thông tin cổ đông, nhưng thông tin ở đó lại khá sơ sài.
Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, ở vị thế một DN đại chúng quy mô lớn, VNG phải có nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm kể từ khi là công ty đại chúng, cổ phiếu của VNG vẫn chưa được đưa lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung tại Việt Nam.