Quy mô hoạt động và quỹ đất lớn
Vinatex được cổ phần hóa năm 2014, vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, có 2 nhà đầu tư chiến lược là Vingroup (sở hữu 10%) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam -VID Group (sở hữu 14%). Ngoài ra, trong cơ cấu vốn của Vinatex, Nhà nước nắm giữ 51%, người lao động nắm giữ 0,6% và các nhà đầu tư khác nắm giữ 24,4%.
Tính đến ngày 30/6/2016, Vinatex có 53 công ty con và 36 công ty liên doanh, liên kết. Các công ty liên doanh, liên kết của Vinatex là các đơn vị có đóng góp lớn đến lợi nhuận hàng năm của Tập đoàn, trong đó bao gồm những doanh nghiệp tên tuổi trong ngành dệt may như Việt Tiến (Vinatex sở hữu 47,88%), Nhà Bè (Vinatex sở hữu 27,69%), May 10 (Vinatex sở hữu 35,51%)…
Vinatex còn sở hữu quỹ đất lớn với tổng diện tích gần 550.000 m2, trong đó Tập đoàn trực tiếp sử dụng 92.667 m2, còn lại do các đơn vị thành viên sử dụng. Quỹ đất lớn được xem là một trong các yếu tố hấp dẫn của Vinatex đối với giới đầu tư trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2014.
Đầu tư tài chính mang lại thu nhập cao
Trong 2 năm gần nhất (2014 và 2015), Công ty mẹ Vinatex lỗ từ hoạt động kinh doanh chính, nhưng nhờ có hơn 350 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính mỗi năm, nên Công ty lãi sau thuế lần lượt 266 và 260 tỷ đồng.
Đối với kết quả kinh doanh hợp nhất, lợi nhuận của Vinatex phụ thuộc nhiều vào hiệu quả hoạt động của các công ty liên doanh, liên kết. Năm 2015, Vinatex đạt 15.180 tỷ đồng doanh thu và 531,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, trong đó có 498,2 tỷ đồng lợi nhuận đến từ khoản lãi trong các công ty liên doanh, liên kết. 6 tháng đầu năm 2016, Vinatex đạt doanh thu 7.111 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 303 tỷ đồng, trong đó lãi từ công ty liên doanh, liên kết là 257 tỷ đồng.
Năm 2016, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu 16.560,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 646,8 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 6% (cổ tức năm 2015 là 5%).
Định hướng hoạt động
Hiện tại, Vinatex có thế mạnh là đơn vị đầu ngành dệt may Việt Nam, có các yếu tố cần thiết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Mặt khác, Vinatex nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung đang đứng trước cơ hội tăng trưởng doanh thu xuất khẩu nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sắp được ký kết như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu…
Định hướng của Vinatex là chuyển đổi mô hình sản xuất từ phương thức sản xuất cắt và may gia công (CMT) lên phương thức sản xuất trọn gói (FOB) và tiến lên phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) nhằm đạt được biên lợi nhuận tốt hơn; phấn đấu đưa tỷ lệ FOB lên 60% và ODM lên 20% vào năm 2020.
Trong năm 2016, Vinatex dự kiến thành lập Tổng công ty Dệt may Miền Bắc và Tổng công ty Dệt may Miền Nam. Đây sẽ là những tổng công ty có quy mô lớn, là nguồn lực sản xuất cốt lõi do Tập đoàn chi phối, thực hiện chuỗi liên kết sợi - dệt nhuộm - may cho từng vùng, miền để tạo giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu của các FTA như quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong TPP, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi trong EVFTA.
Về hoạt động phân phối sản phẩm, trong động thái mới nhất, tháng 4/2016, Vinatex đã quyết định bán toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng hoạt động trên 19 tỉnh, thành trong cả nước cho Vingroup. Tập đoàn dự định xây dựng mạng lưới khác phù hợp với chiến lược phát triển thị trường nội địa.
So với các doanh nghiệp trên sàn UPCoM hiện nay, Vinatex đứng thứ ba về quy mô vốn điều lệ, sau CTCP Tài nguyên Masan và Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP. Cổ phiếu Vinatex đang được kỳ vọng sẽ tiếp bước May Việt Tiến - công ty do Vinatex nắm giữ 47,88% vốn, lên sàn UPCoM từ tháng 3/2016 và nhanh chóng trở thành hàng “hot”, thanh khoản thuộc Top đầu trên sàn.