Sự việc này, dù không tác động đến diễn biến giao dịch ngày 22/11, nhưng lại tác động không nhỏ đến tâm lý NĐT. Nhưng, xác minh được tính chân thực của thông tin này đến đâu, lại là điều không thể.
Lẽ thông thường, nơi cần xác minh đầu tiên là các CTCK, mà cụ thể là các CTCK trong TOP 5 thị phần môi giới lớn nhất. Nhưng vô vọng! Có 3 lý do để CTCK không thể xác minh được thông tin.
Thứ nhất, đó là nguyên tắc bảo vệ bí mật thông tin khách hàng. Việc xác nhận có thông tin về khách hàng chẳng khác gì việc CTCK tự nhận: tôi để lộ thông tin về “Thượng đế” của tôi!
Thứ hai, quan trọng hơn, đó là đối với các NĐT nước ngoài, khách hàng mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại ngân hàng; tài khoản tại CTCK, chỉ là tài khoản giao dịch.
Đây là nội dung đã được quy định rõ trong Quy chế hoạt động NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, ban hành từ năm 2008. Vì thế, CTCK có thể nắm được thông tin của khách hàng về các giao dịch đã thực hiện, nhưng gần như không thể nắm bắt về dòng tiền, cũng như toan tính của NĐT.
Cuối cùng, là từ phía CTCK, ngay cả khi nắm được chính xác số dư tài khoản của khách hàng, cũng không thể khẳng định được gì về mức độ tham gia của NĐT nước ngoài, hay tác động của vốn ngoại đến TTCK. Lý do, dù tiền đã “tập kết” vào tài khoản, việc khách hàng mua như thế nào, mua bao nhiêu… nằm trong chiến lược của khách, CTCK không thể khẳng định được.
Nhiều lý do khiến thông tin liên quan đến số dư dòng tiền mới (trừ việc quỹ đầu tư muốn công khai) luôn là điều bí ẩn và rất khó xác minh từ phía CTCK.
Báo chí tìm mọi cách để xác minh thông tin, nhưng tìm từ CTCK là tắc, tìm sự xác minh tại các ngân hàng (nơi đầu tiên dòng vốn ngoại phải khai báo) cũng tắc luôn, trước hết cũng vì nguyên tắc bảo mật, ngân hàng không thể chia sẻ.
Để cảm nhận về dòng tiền mới, NĐT giàu kinh nghiệm có thể nhìn qua bảng điện tử hàng ngày. Nhưng đầu tư trên thị trường niêm yết chỉ là một trong vô số sự lựa chọn của dòng vốn ngoại.
Vốn ngoại còn có thể chảy vào trái phiếu, chảy vào các DN theo con đường riêng lẻ, hoặc chảy chính trên TTCK qua mua thỏa thuận. Trong những trường hợp này, dòng vốn mới, nếu có, dường như không ảnh hưởng gì đến diễn biến TTCK.
Hãy nhìn câu chuyện của VNM. Gần 5 tháng qua, tổng giá trị mua vào của NĐT ngoại với cổ phiếu VNM lên tới gần 5.200 tỷ đồng, nhưng dòng tiền khổng lồ này chủ yếu đóng vai trò “thế chân” dòng tiền cũ ra đi (chủ yếu mua qua thỏa thuận).
Tin đồn về khả năng có dòng vốn mới 300 triệu USD, thậm chí đến 700 triệu USD là có thật và sự xôn xao trên các diễn đàn là có thật, nhưng NĐT hãy nhìn câu chuyện của VNM để dặn lòng: chưa chắc TTCK đã “có sóng”.
Với CTCK, tốt hơn hãy đừng để lộ thông tin khách hàng. Nếu đã có “gan” để lộ, thì hãy thành thực và dám chịu trách nhiệm, đừng “bơm” thông tin nửa vời, để lại thị trường những thắc mắc không cần thiết!
>> 300 triệu USD mới sắp đổ vào TTCK Việt Nam?
>>Báo động tình trạng nhiều CTCK “rỗng ruột”