Ảnh Internet
Mục tiêu được đặt ra trên nền tảng vững chắc của năm 2014, được nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận là không quá khó, nhưng cũng không phải dễ dàng.
Mục tiêu khó?
Tổng giám đốc một NHTM cho biết, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục khắc phục tình trạng đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Tín dụng tăng trưởng 13-15%, nhưng được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ là thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng… Nợ xấu toàn hệ thống được đưa về mức 3%.
Với việc thực hiện Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), trong năm 2015, NHNN đặt mục tiêu xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, đặc biệt là các NHTM, áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ là cho giải thể, phá sản đối với một số TCTD phi ngân hàng yếu kém; tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các TCTD và hình thành một số tổ chức tài chính có quy mô, có khả năng cạnh tranh tốt hơn; Triển khai các biện pháp xử lý sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng và cổ đông vi phạm giới hạn sở hữu tại các TCTD; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực tài chính với trọng tâm là tăng vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước;
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân…
Làm có dễ?
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, cần có khung pháp lý cho việc thu hồi nợ, bởi tình hình thu hồi nợ đang vấp phải rất nhiều thách thức. Trên nhiều địa bàn, khách hàng dù có tài sản, nhưng không chịu trả nợ, việc phát mại tài sản vô cùng khó khăn. Thậm chí, tại Hải Phòng, có DN hoạt động kinh doanh bình thường, nhưng không chịu trả nợ, mà cơ quan thi hành án cũng không làm gì được.
“Trong lịch sử của ngành ngân hàng, chưa bao giờ có chuyện ngân hàng phải xuống ốp cơ quan thi hành án như bây giờ”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Đồng quan điểm này, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB nói: “Mục tiêu của toàn ngành đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2015, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%, nhưng nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế. Việc xử lý nợ xấu do vậy không thể chỉ là việc riêng của ngành ngân hàng, mà cần có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, trung ương, địa phương, DN”.
Đánh giá về mục tiêu chính sách tỷ giá trong năm tới, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) nhận định, nhiều khả năng, tới đây, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trở lại, khi đó đồng USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều DN vay vốn ngoại tệ trên toàn cầu, trong đó có cả ở Việt Nam, đòi hỏi NHNN phải thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam chia sẻ: “Năm 2015, nhiệm vụ, chỉ tiêu Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao như kiềm chế lạm phát dưới mức 5%, tăng trưởng kinh tế 6,2%, tiếp tục ổn định tỷ giá, nếu có điều kiện giảm tiếp lãi suất..., nếu so với năm 2014 có vẻ như không quá khó. Nhưng để thực hiện được những chỉ tiêu đó hoàn toàn không dễ”.
Thống đốc phân tích, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi, nhưng còn không ít khó khăn, thách thức do kinh tế Nhật, châu Âu chưa cải thiện rõ nét… Việt Nam ký các hiệp định phải mở cửa nhưng sức cạnh tranh còn yếu; trên thế giới chiều hướng chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vẫn đan xen chiều hướng tăng trưởng và lạm phát; Mỹ có chiều hướng tăng lãi suất kiềm chế lạm phát; giá dầu thô giảm có tác động nhiều chiều…
Cũng theo Thống đốc, mặt bằng lãi suất hiện đang thấp hơn giai đoạn năm 2005 - 2006, nhưng để duy trì mặt bằng lãi suất này là điều hết sức khó khăn. Nhu cầu vốn có thể tăng nên, việc cung ứng tiền phải hết sức linh hoạt vì mục tiêu lạm phát. Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát tỷ giá ngoại tệ trong năm tới dao động không quá 2% không dễ thực hiện, khi nhìn vào những yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá (dự báo xuất khẩu tăng 10%, thâm hụt cán cân thương mại 5%...)
“Để hoàn thành những nhiệm vụ được giao, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực của toàn hệ thống, nhưng tôi tin rằng, với nền tảng năm 2014, ngành ngân hàng chắc chắn sẽ cán đích các chỉ tiêu”, ông Nguyễn Văn Bình nói.