Vietjet Air đã lọt vào rổ chỉ số VNX50 trong kỳ rà soát gần đây nhất

Vietjet Air đã lọt vào rổ chỉ số VNX50 trong kỳ rà soát gần đây nhất

Cận cảnh nhóm doanh nghiệp trong VNX50

(ĐTCK) Chiếm trên 70% vốn hóa cả hai sàn niêm yết cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực, nhóm doanh nghiệp thuộc VNX50 được kỳ vọng là động lực hỗ trợ thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Chiếm 70% vốn hóa hai sàn niêm yết

Ngày 18/10/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh mục cổ phiếu thành phần, khối lượng lưu hành tính chỉ số, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) và tỷ trọng giới hạn vốn hóa của danh mục VNX50 trong kỳ rà soát đầu tiên (hiệu lực từ 23/10/2017 đến 20/4/2018). Theo đó, PVT và BHS đã bị loại ra khỏi danh mục tính chỉ số, thay thế bằng cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa và VJC của CTCP Hàng không Vietjet.

Ngoài ra, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của VNM trong danh mục tính VNX50 được nâng từ mức 42,96% lên 52,37%, trong khi tỷ lệ này của cổ phiếu VIC bị điều chỉnh giảm từ 100% về mức 98,83%. Sự thay đổi này kỳ vọng giúp danh mục VNX50  phản ánh sát hơn những biến động của thị trường chứng khoán.

VNX50 là chỉ số được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho ra đời từ ngày 21/7/2017, được xây dựng dựa trên danh mục 50 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa và giao dịch hàng đầu tại HOSE và HNX. Để lọt vào rổ chỉ số này, cổ phiếu sẽ phải đáp ứng những điều kiện sàng lọc về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ free float…

Dù yếu tố này khiến nhiều cổ phiếu như VRE, BHN, VPB được thị trường chú ý, nhưng cũng không lọt vào danh mục do chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, điểm qua danh sách VNX50 mới nhất, có thể thấy đã bao gồm hầu hết những doanh nghiệp tên tuổi, có giá trị vốn hóa hàng đầu trên sàn niêm yết hiện nay như Vinamilk, Sabeco, Vietjet, ACB, Vietcombank…

Tính đến hết phiên 10/11, dù chỉ có 6/320 mã đang niêm yết trên HNX thuộc danh mục VNX50, vốn hóa của những cổ phiếu này chiếm tới 39,95% giá trị vốn hóa toàn sàn HNX. Tại HOSE, 44 cổ phiếu thuộc danh mục VNX50 đã bao quát 73,57% giá trị vốn hóa 378 mã đang niêm yết. Tổng vốn hóa của danh mục VNX50 đạt 1.778.000 tỷ đồng, chiếm đến 70,94% giá trị vốn hóa cả hai sàn.

Không chỉ gồm những cổ phiếu chất lượng, vốn hóa lớn, thanh khoản tốt, danh mục VNX50 còn quy định về hạn chế mức trần tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần tối đa 10%, qua đó, giúp tránh lặp lại một số điểm yếu của các chỉ số như VN-Index, HNX-Index đang gặp phải như sự chi phối biến động tại một vài mã vốn hóa lớn.

Bên cạnh đó, việc định kỳ cập nhật thông tin về khối lượng lưu hành, free-float của cổ phiếu thành phần trong tháng 1, 4, 7, 10 và danh mục thành phần được rà soát 6 tháng/lần vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm cũng giúp đảm bảo tính cập nhật và phản ánh được nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến thị trường, loại bỏ những cổ phiếu tác động suy giảm.

Sau gần 5 tháng vận hành, VNX50 đã bước đầu được các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư đón nhận tích cực. Ngày 24/10/2017, Qũy ETF SSIAM VNX30, hiện được quản lý bởi Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI (SSIAM) đã chuyển sang lấy VNX50 làm chỉ số mô phỏng, thay cho chỉ số HNX30 trước đó với kỳ vọng nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn cho chứng chỉ của Qũy.

Mặc dù chưa thực sự thu hút được sự chú ý nhà đầu tư cá nhân, vốn là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường trong bối cảnh tuổi đời còn mới mẻ, hai sàn niêm yết vẫn duy trì độc lập với những bộ chỉ số riêng. Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động với sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số đã và đang được đón nhận tích cực.

Các bộ chỉ số mang tính đại diện cao cho thị trường như VNX50 dự báo sẽ tăng tính hấp dẫn và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong thời gian tới, khi các sản phẩm phái sinh chỉ số dần hoàn thiện và mở rộng.

Bên cạnh đó, trong lộ trình hướng tới hợp nhất hai sàn niêm yết theo định hướng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc thiết lập các chỉ số đại diện chung như VNX50 hay trước đó là VNX-Allshare cũng được các chuyên gia chứng khoán đánh giá là bước đi cần thiết, giúp các bộ chỉ số, sản phẩm của thị trường từng bước hoàn thiện theo các tiêu chuẩn quốc tế, giúp nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở để đánh giá chính xác hơn mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Tăng trưởng lợi nhuận chiếm ưu thế

Thống kê kết quả kinh doanh cho thấy, có tới 62% doanh nghiệp thuộc VNX50 báo lãi sau thuế tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, cũng có tới 40% cổ phiếu trong nhóm có lợi nhuận vượt mức nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Dẫn đầu về giá trị lợi nhuận tiếp tục là CTCP Sữa Việt Nam (VNM), doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất VNX50 và cũng lớn nhất thị trường hiện nay. Trong quý III/2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VNM tăng lần lượt 8,5% và 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của VNM đạt 8.545 tỷ đồng, tăng 13,61% so với cùng kỳ.

Kết quả này giúp VNM bỏ xa vị trí thứ hai về lợi nhuận trong nhóm thuộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank). Trong 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đạt 6.379 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2016.

Không thuộc nhóm có lợi nhuận cao nhất về giá trị, CTCP GTN Food (GTN) ghi dấu ấn là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất nhóm VNX50 khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đạt 134,2 tỷ đồng, gấp 17,2 lần thực hiện cùng kỳ năm 2016. Đứng thứ hai về mức tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ là Ngân hàng TMCP Sacombank (STB).

Riêng quý III/2017, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gấp 2,4 lần cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 1.025 tỷ đồng, gấp 4,91 lần cùng kỳ, qua đó vượt 75,2% kế hoạch năm. Không chỉ tăng trưởng về lợi nhuận, tài sản, nguồn vốn, tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank đến cuối tháng 9/2017 cũng còn 5,95% tổng dư nợ, giảm so với 6,91% hồi đầu năm. Những kết quả cho thấy biến chuyển tích cực của STB sau những nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu không ngừng nghỉ.

Một số doanh nghiệp báo lãi ấn tượng khác tại nhóm VNX50 có thể kể đến là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với 5.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng. HPG đã ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay. Hay Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9 tháng 6.073 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ  sau hai năm suy giảm liên tiếp.

Mặc dù có gần 40% doanh nghiệp báo lãi 9 tháng đầu năm 2017 sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó có những cái tên như DRC, ASM, ROS, DPM…, nhưng chỉ có một doanh nghiệp duy nhất trong nhóm báo lỗ. Đó là CTCP Khoan và hóa chất dầu khí (PVD). Theo đó, dù ghi nhận lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng trong quý III/2017, kết quả này chưa giúp lợi nhuận sau thuế của PVD 9 tháng dương trở lại sau 2 quý đầu năm lỗ lớn. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của PVD âm 264 tỷ đồng.

Dẫu sao việc thua lỗ của PVD cũng không gây nhiều bất ngờ với nhà đầu tư và đã được dự báo trước do ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm…

Những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh đã giúp vốn hóa của nhóm doanh nghiệp thuộc VNX50 tính đến ngày 10/11/2017 tăng 39,43% so với đầu năm, với 78% số cổ phiếu trong nhóm tăng giá, trong đó 32% cổ phiếu có mức tăng trưởng đạt trên 50%. VCS, PDR và HBC là 3 cổ phiếu đạt mức tăng giá cao nhất, với thị giá sau điều chỉnh cổ tức lần lượt tăng 176,24%, 136,3% và 133,54%.

Năm 2017 chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc và đến thời điểm này, bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã phần nào hé lộ. Báo cáo phân tích mới đây CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã dự báo tích cực với kết quả kinh doanh 2017 tại nhiều doanh nghiệp thuộc VNX50. Chẳng hạn tại VNM, HSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 có thể tăng trưởng 10,1% và 18,9% so với năm 2016.

HSC cũng đưa ra báo cáo ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ - CTCP Cơ điện lạnh (REE) có thể đạt 1.450 tỷ đồng, tăng trưởng 5,6% so với năm 2016.

Đối với CTCP VietJet (VJC), sau những kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đạt 2.982 tỷ đồng, Ban lãnh đạo VJC tự tin ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 vượt 10% so với kế hoạch.

Bên cạnh câu chuyện kết quả kinh doanh tích cực, nhóm doanh nghiệp VNX50 còn có nhiều đột biến từ câu chuyện thoái vốn của cổ đông lớn, cổ đông nhà nước. Tại VNM, trong phiên đấu giá thoái 3,33% cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ngày 10/11 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã “mạnh tay” bỏ giá lên tới 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23% so với giá khởi điểm. Tin từ kết quả đấu giá của VNM cũng là động lực giúp thị giá cổ phiếu tăng kịch trần trong phiên 10/11.

CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SAB), hay CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) cũng là những doanh nghiệp đang được dự báo Bộ Công thương và SCIC sẽ sớm thoái vốn trong thời gian tới..

Với những kết quả kinh doanh tích cực sau 9 tháng đầu năm cùng bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi như lãi suất, tỷ giá ổn định, những dự báo tích cực kinh doanh của quý cuối năm 2017 và những đột biến từ thoái vốn, bán vốn của cổ đông lớn, nhóm doanh nghiệp trong nhóm VNX50 được nhiều kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ thị trường tăng trưởng tích cực trong thời gian từ nay đến cuối năm.                

Tin bài liên quan