Các CTCK triển khai margin thông qua hệ thống phòng vệ ba lớp

Các CTCK triển khai margin thông qua hệ thống phòng vệ ba lớp

Cận cảnh “máy chém” margin của các CTCK

(ĐTCK) Hệ thống phần mềm quản lý giao dịch ký quỹ (margin) tự động, được ví như “máy chém” margin, đang giúp các CTCK giảm thiểu nguy cơ mất tiền.

“Nhẹ đầu” vì có “máy chém”

Thay vì quản lý margin theo kiểu thủ công như trước, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện đa phần các CTCK đều sử dụng hệ thống phần mềm quản lý margin tự động. Điều này vừa giúp CTCK giảm thiểu rủi ro, vừa giúp cơ quản lý phát hiện và xử lý các vi phạm về margin thuận lợi hơn, do các lỗi vi phạm thường lưu trên hệ thống.

Chia sẻ cơ chế vận hành của “máy chém” margin, Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết cho biết, mã chứng khoán và tỷ lệ cấp margin được cập nhật thường xuyên trên hệ thống của các CTCK. Khi NĐT nhập lệnh vào hệ thống giao dịch, hệ thống sẽ tự động phân loại, nếu mã chứng khoán thuộc đối tượng được cấp margin thì hệ thống thông báo hạn mức để NĐT biết và lựa chọn sử dụng. Trường hợp mã chứng khoán không thuộc danh mục cấp margin, hệ thống thông báo NĐT phải có đủ tiền trong tài khoản, thì mới được phép giao dịch.

Cụ thể, với tỷ lệ cấp margin theo quy định hiện hành tối đa là 1-1 (NĐT có tài sản trị giá 1 đồng, sẽ được vay CTCK 1 đồng để mua chứng khoán), sau khi vay margin để mua chứng khoán, thì giá trị tài sản của NĐT là 2 đồng. Giả sử giá trị chứng khoán tăng lên trên mức 2 đồng, thì “máy chém” margin báo tín hiệu “xanh”, có nghĩa là NĐT được phép mua thêm chứng khoán. Ngược lại, nếu giá chứng khoán giảm xuống dưới 2 đồng, thì hệ thống phát đi tín hiệu “đỏ”, đồng nghĩa NĐT chỉ được bán cổ phiếu, chứ không được mua thêm. Tất cả các loại tài khoản margin có tín hiệu “đỏ” sẽ rơi vào tầm kiểm soát chặt của CTCK.

Vẫn với ví dụ trên, tìm hiểu của ĐTCK tại một số CTCK cho thấy, nếu tài khoản margin từ 2 đồng sụt giảm về khoảng 1,7 - 1,8 đồng (tùy tỷ lệ cho vay margin của các CTCK) là “máy chém” margin sẽ phát đi tín hiệu cảnh báo tới NĐT. Ở tỷ lệ tài khoản bị “cháy” này, nếu NĐT vẫn chưa bán cổ phiếu dẫn đến giá trị tài khoản giảm còn 1,5 - 1,6 đồng, thì sau khi thông báo cho khách hàng, CTCK sẽ lệnh cho “máy chém” margin bán chứng khoán để thu nợ.

“Sở dĩ CTCK chọn tỷ lệ tài khoản margin của khách hàng bị giảm về mức này để xử lý, bởi nó đảm bảo cho CTCK gần như không bị mất vốn. Trong tình huống tệ nhất là 2 - 3 phiên cổ phiếu giảm sàn, nếu bán được thì CTCK vẫn thu đủ nợ”, vị Tổng giám đốc trên nói.

Với kiểu quản lý margin thủ công như trước, khi CTCK bán chứng khoán của khách hàng để thu nợ thường gây nên sự phản ứng khá gay gắt từ phía “thượng đế”. Thậm chí, đây từng là một trong những điểm gây nên các cuộc khiếu kiện, tranh chấp nảy lửa giữa CTCK và khách hàng. Tuy nhiên, với “máy chém” margin thì khác.

Thấm thía bài học từ những năm trước, các CTCK hiện chặt tay trong triển khai margin thông qua hệ thống phòng vệ ba lớp. Lớp đầu tiên là hợp đồng cấp margin được CTCK ký với khách hàng. Lớp thứ hai, trước khi bán chứng khoán để thu nợ, CTCK gọi điện thoại (có ghi âm) và nhắn tin thông báo tới khách hàng. Lớp thứ ba, khi khách hàng không có phản hồi, thì không phải bộ phận môi giới quyết định bán chứng khoán, mà bộ phận quản lý rủi ro của CTCK ký lệnh bán để thu nợ. Hệ thống phòng vệ “ba lớp” này, cộng với tỷ lệ cấp margin tối đa 1-1, thậm chí với nhiều mã chứng khoán, CTCK yêu cầu khách hàng có tài sản trị giá 7 - 8 đồng thì mới cho vay 2 - 3 đồng, “máy chém” margin đang làm cho ban điều hành CTCK “nhẹ đầu”. 

Một số công ty thích… thủ công?

Do “máy chém” margin quá minh bạch, nên một khi muốn “vượt rào” margin, CTCK phải tìm cách… tránh mặt cỗ máy này bằng cách triển khai margin thủ công.

Dân môi giới đang kháo nhau về những CTCK gần đây bất ngờ tăng thị phần môi giới nhanh đến chóng mặt. Họ nghi ngờ những CTCK này đang “vượt rào” cấp margin trái quy định cả về tỷ lệ cho vay, lẫn danh mục chứng khoán được phép cho vay.

“Tại trụ sở của những CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu tăng mạnh gần đây, nhiều nhân viên làm việc sau giờ hành chính khá lâu, thậm chí 8 - 9 giờ đêm trụ sở vẫn sáng đèn. Đó là vì đội ngũ kế toán đang xử lý theo phương pháp thủ công đối với các giao dịch margin trong ngày”, một môi giới chứng khoán nói.

Theo nhà môi giới này, với những CTCK “vượt rào” margin, họ sẵn sàng cho vay 7 - 8 đồng, dù khách hàng chỉ có tài sản 2 - 3 đồng. Gặp lúc thị trường giảm mạnh, đến ngày chứng khoán về tài khoản (T+3), CTCK có thể đối mặt với nguy cơ mất 40 - 50% vốn cho vay margin. Điều này không chỉ gây rủi ro cho CTCK, NĐT, mà cả thị trường, rất cần cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra và xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm.

Tin bài liên quan