Bài 1: Cổ đông thiểu số và cơ chế bảo vệ
LTS: Được đánh giá là bước tiến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng sau hơn 7 năm áp dụng, Luật DN (LDN) 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Dự thảo LDN sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 cuối năm nay, thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2014 và có hiệu lực từ tháng 1/2015. Dự kiến, ngay trong tháng 8 này, Dự thảo Luật sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và xem xét, tiếp thu các góp ý. Đến tháng 3/2014, Dự thảo sẽ được trình Chính phủ thẩm tra, cho ý kiến. Bắt đầu từ số báo này, Đầu tư Chứng khoán sẽ đăng tải loạt bài về các hạn chế của LDN 2005 khi áp dụng trong bối cảnh kinh tế hiện tại và những kiến nghị sửa đổi.
Không có khái niệm “cổ đông thiểu số” trong LDN 2005 và các luật chuyên ngành có liên quan đến DN. Chính vì vậy, việc xác định cổ đông thiểu số là ai và cơ chế bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số trong CTCP đóng vai trò quan trọng.
Cổ đông thiểu số là ai?
Khái niệm “cổ đông thiểu số” không được quy định trong LDN 2005 và các luật chuyên ngành có liên quan đến DN. Tuy nhiên, LDN 2005 lại có quy định riêng với “Cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng ký với cơ quan ĐKKD có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có được tỷ lệ sở hữu đó” (khoản 4, Điều 86). Luật Chứng khoán 2006 thì lại có riêng một tiêu chí xác định cổ đông lớn, theo đó “Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành” (khoản 6, Điều 9). Nhưng nếu chiểu theo quy định này mà suy luận rằng: cổ đông thiểu số là những cổ đông nắm giữ dưới 5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là sai, bởi lẽ, những quy định về cổ đông nắm trên 5% nói trên liên quan đến vấn đề quản trị công ty (công bố thông tin) và những cổ đông thuộc tỷ lệ này (và những người liên quan của họ) chịu sự điều chỉnh chặt hơn bởi pháp luật chứng khoán, do các giao dịch của họ có thể gây nên những biến động đối với công ty và thị trường.
Phải đưa đến cho cổ đông thiểu số những công cụ pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình
Theo thông lệ quốc tế về quản trị công ty tốt thì được xem là cổ đông thiểu số (minority shareholders) khi mà cổ đông/nhóm cổ đông đó không có quyền biểu quyết hoặc nắm tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết dưới 50%, do quy định tại luật pháp đa số các nước tiên tiến là các Nghị quyết ĐHCĐ được thông qua khi có số cổ phần có quyền biểu quyết chỉ cần từ 51% trở lên là hợp pháp.
Cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số
Về mặt pháp lý, cổ đông/nhóm cổ đông (dù là cổ đông lớn nắm giữ bao nhiêu cổ phần) thì trước hết, họ là những cổ đông phổ thông có đầy đủ các quyền như quy định tại Điều 79 LDN. Tuy nhiên, khi sở hữu một tỷ lệ cổ phần phổ thông nhất định (ví dụ: 1%, 10%, 25% hay 35% trở lên), thì cổ đông/nhóm cổ đông này có các quyền về những vấn đề khác nhau (xem bảng 1). Giả sử trong CTCP có cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết từ 65% hoặc 75% trở lên thì cổ đông/nhóm cổ đông này (có thể gọi là cổ đông đa số) có thể thông qua các Nghị quyết có lợi cho mình, đặt cổ đông/nhóm cổ đông còn lại vào “vùng nguy hiểm”. Nói cách khác, những cổ đông/nhóm cổ đông này bị xem như là/xếp vào nhóm những cổ đông thiểu số trong công ty khi mà những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ đã bị cổ đông/nhóm cổ đông đa số kia quyết định hết. (Xem bảng 1).
Bảng 1: Với tỷ lệ cổ phần sở hữu khác nhau, cổ đông có các quyền biểu quyết khác nhau.
Tỷ lệ cổ phần sở hữu
Quyền của cổ đông
Bầu dồn phiếu thành viên HĐQT, BKS
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty
Có các quyền quy định khoản 2 Điều 79 LDN Có (Điều 29, NĐ 102/2010) Với tỷ lệ trên 35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết
Phủ quyết tất cả các Nghị quyết của ĐHCĐ (khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 104 LDN) Có (Điều 29, NĐ 102/2010) Với tỷ lệ trên 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết
Phủ quyết tất cả các Nghị quyết của ĐHCĐ (điểm b, khoản 3 và khoản 5 Điều 104 LDN): - Các Quyết định được thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản Có (Điều 29, NĐ 102/2010) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng
- Có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) (Điều 25, khoản 1 NĐ 102/2010). - Có quyền trực tiếp khởi thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) (khoản 3 Điều 25, NĐ102). Không có
LDN 2005 và các hướng dẫn thi hành cũng có những quy định khác có liên quan đến bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số như quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần (Điều 90), công khai lợi ích có liên quan (Điều 118), nghĩa vụ của người quản lý công ty (Điều 119), hợp đồng, giao dịch phải được ĐHCĐ chấp thuận (Điều 120), công bố thông tin (đặc biệt là các công ty đại chúng/niêm yết trên TTCK)… Tuy nhiên, những quy định này hầu như chưa trở thành những công cụ hữu hiệu để bảo vệ cổ đông nhỏ vì những nguyên nhân dưới đây.
Thực tiễn thực hiện và xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư
Một thực tế tại nhiều CTCP hiện nay là nhiều cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số không thực sự quan tâm đến các quyền của mình. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: việc chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan của cổ đông; việc tuân thủ của chính công ty và ban lãnh đạo với các quy định của pháp luật về bảo vệ cổ đông; vai trò giám sát và xử lý vi phạm một cách kịp thời và nhanh chóng của các cơ quan có liên quan ( Sở KH&ĐT, UBCK, Tòa án)…
Một thực tế khác là tại nhiều CTCP (bao gồm cả công ty đại chúng/công ty niêm yết), khi mà các cổ đông lớn đã sở hữu lượng cổ phần ở mức độ có thể thông qua các Nghị quyết có lợi cho mình (ví dụ 65% hay 75%), thì hầu như vai trò của cổ đông/nhóm cổ đông còn lại “không được đếm xỉa”. Tại cơ quan có quyền cao nhất của công ty là ĐHCĐ, mặc cho cổ đông nhỏ/thiểu số phát biểu, chất vấn, đề xuất các nội dung quan trọng hoặc có liên quan đến quyền lợi của họ, cổ đông lớn vẫn “bình chân như vại”, vì họ đã có được tỷ lệ biểu quyết đủ để thông qua các Nghị quyết có lợi cho mình, gạt cổ đông nhỏ/thiểu số ra bên lề, cho dù nội dung này có được đưa vào chương trình họp. Cổ đông sử dụng các quyền khác của mình như: yêu cầu công ty mua lại cổ phần thì chẳng ai mua hoặc giá cả đưa ra rất thấp; thông qua ban kiểm soát hoặc thành viên HĐQT độc lập thì những thiết chế này tại nhiều DN hoặc là mang tính hình thức, “tồn tại trên giấy” hoặc là không tồn tại; các quy định về công khai lợi ích hay nghĩa vụ của người quản lý thì bản thân cổ đông nhỏ/thiểu số không tiếp cận được thông tin (do công ty không cung cấp hoặc cố tình không cung cấp).
Trong các báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2013 ít được cải thiện, thậm chí tụt hạng (hạng 169 năm 2013 so với 167 năm 2012) và tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam (xem bảng 2 - 3). Đáng chú ý là những chỉ số liên quan đến: Mở rộng trách nhiệm của Giám đốc (người quản lý và điều hành), Dễ dàng khởi kiện của cổ đông của Việt
Bảng 2: Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt
Bảng 3: Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt
Nguồn: Doing Business Database
Do đó, yêu cầu lớn nhất đặt ra trong việc sửa đổi LDN năm 2005 liên quan đến nội dung bảo vệ cổ đông thiểu số là phải thực sự đưa đến cho cổ đông những công cụ pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó đặc biệt chú trọng đến quyền về thông tin, quyền khởi kiện, trách nhiệm của giám đốc, quyền tham dự và biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền ĐHCĐ…
Bài 2: Điều lệ công ty, quan trọng đến đâu?