3 mức vốn
Có đến hơn 1/3 nội dung góp ý của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không, do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) soạn thảo có liên quan trực tiếp đến sự hiện diện của các cổ đông nước ngoài trong các hãng hàng không Việt Nam.
Đối với tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, Dự thảo Nghị định đang đề xuất 3 mức tỷ lệ phần trăm vốn điều lệ mà nhà đầu tư nước ngoài được phép góp lần lượt là 30%, 34% và 49%.
Trước đó, tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT đã đề xuất lựa chọn mức 34% với lý do là để bảo đảm hài hòa giữa việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước.
Trong Báo cáo thẩm định số 205/BC - BTP, Bộ Tư pháp cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thật kỹ về tính khả thi, hiệu quả của chính sách giới hạn vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, vì thực tế, đầu tư vào hàng không cần một lượng vốn rất lớn cũng như các nhu cầu chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao từ các nước phát triển.
Do đó, việc giới hạn tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư nước ngoài rất có thể hạn chế cơ hội mở rộng kinh doanh đối với các hãng hàng không tư nhân.
Dẫn chiếu điểm b, khoản 3, Điều 8 Nghị định số 92 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 1, Dự thảo Nghị định), Bộ Tư pháp cho rằng, quy định “trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân” còn nhiều điểm cấn cá.
Theo Bộ Tư pháp, với quy định này, có thể hiểu, nếu một doanh nghiệp Việt Nam có ngành nghề kinh doanh chính ngoài lĩnh vực hàng không muốn góp vốn đầu tư và trở thành cổ đông của một hãng hàng không Việt Nam, thì sẽ phải tự giới hạn phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài ở doanh nghiệp đó ở mức dưới 49% vốn điều lệ.
Cơ quan thẩm định cho rằng, quy định nêu trên đã gián tiếp giới hạn quyền của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp của Việt Nam, đồng thời giới hạn luôn quyền của các doanh nghiệp Việt Nam muốn góp vốn vào các hãng hàng không, trong khi Luật Đầu tư năm 2014 đang quy định theo hướng không giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế Việt Nam.
Điều đáng chú ý là, nếu chiểu theo Dự thảo Nghị định, một doanh nghiệp là pháp nhân Việt Nam có quyền nhận vốn đầu tư nước ngoài miễn là không quá 49% vốn điều lệ.
Như vậy, nếu một cổ đông là pháp nhân Việt Nam có 49% vốn điều lệ pháp nhân đó là của nhà đầu tư nước ngoài thì mục đích giới hạn vốn điều lệ tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không theo các mức đề xuất là 30%, 34% và 49% có thể không có tác dụng.
34% đã an toàn?
Trong Văn bản số 6126/BKHĐT - KCHTĐT, ngày 31/8/2018, tham gia ý kiến đối với Dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT có giải trình rõ lý do đưa ra 3 mức trần góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, trong Văn bản số 9057/BC - BGTVT gửi Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dẫn Điều 144, Luật Doanh nghiệp, Bộ GTVT cho rằng, nếu cá nhân/pháp nhân nước ngoài nắm từ 35% vốn điều lệ thì họ đã có quyền phủ quyết với các quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Do vậy, nếu cho phép cá nhân/pháp nhân nước ngoài nắm từ 35% vốn điều lệ của một hãng hàng không Việt Nam sẽ có nguy cơ doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài sử dụng lợi thế của dòng vốn nước ngoài để kiểm soát doanh nghiệp, đồng thời chiếm lĩnh thị trường và hạn chế sự phát triển của các hãng hàng không nội địa, trong khi thị trường hàng không nội địa của Việt Nam còn khá non trẻ.
Bên cạnh đó, theo Bộ GTVT, việc giới hạn tỷ lệ vốn góp ở mức 34% đối với nhà đầu tư ngoại, còn hạn chế việc thành lập các hãng hàng không với mục tiêu chủ yếu là bán cổ phiếu nhằm thu lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, nếu không muốn bị các nhà đầu tư nước ngoài thao túng hãng hàng không nội địa, thì tỷ lệ 34% vốn điều lệ cũng không hẳn là đã an toàn.
Thực tế, theo quy định tại khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.
Đối với một số vấn đề như tăng vốn; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất, thì phải được ít nhất 75% số phiếu biểu quyết chấp thuận.
Như vậy, khi cổ đông nắm giữ 26% cổ phần phủ quyết, công ty cũng sẽ không thể thông qua một số vấn đề quan trọng như tăng vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung điều lệ…
Với bản thân các hãng hàng không nội địa, quan điểm về trần góp vốn của nhà đầu tư ngoại cũng rất khác biệt.
Cụ thể, hai hãng hàng không đang có cổ đông là các nhà đầu tư nước ngoài là Vietnam Airlines (ANA Holdings - Nhật Bản) và Jetstar Pacific (Qantas - Australia) lại muốn giữ nguyên trần vốn góp được ấn định tại Nghị định số 92.
Trong khi đó, Vietjet lại đề nghị nâng mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các hãng hàng không Việt Nam từ 30% lên 49%.
Đại diện Vietjet cho biết, hiện một số nước trong khối ASEAN đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không, trong đó trần nắm giữ vốn điều lệ tối đa ở Thái Lan và Indonesia đều là 49%, ở Philippines là 40%.
“Nếu Việt Nam vẫn giữ tỷ lệ thấp hơn so với các nước trong khu vực sẽ không khuyến khích được dòng vốn ngoại vào lĩnh vực hàng không”, đại diện Vietjet khẳng định.