Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Thưa ông, người đứng đầu ngành tài chính đã từng nói rằng, hiện tượng cán bộ thuế “ăn vặt” vẫn còn. Đến nay, tình trạng này diễn biến thế nào?
Phải nói thật rằng, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý thuế hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa để trục lợi cá nhân vẫn còn, mặc dù Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Nguyên nhân là việc tính thuế với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh còn phức tạp, chưa thực chất; công tác công khai cách tính thuế, số thuế phải nộp của từng hộ kinh doanh theo quy định còn thực hiện hình thức. Bên cạnh đó là vai trò kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp còn hạn chế…
Ngành thuế đã làm gì để đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tiêu cực trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Ngoài việc không ngừng sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế, từ luật, nghị định, thông tư hướng dẫn đến quy trình, thủ tục hành chính thuế, nhằm đơn giản và minh bạch, ngành thuế đã tập trung đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế.
Hiện tại, đã có 98% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, 55% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử và tiến tới sẽ có trên 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử để giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế và cán bộ thuế. Đối với hộ gia đình kinh doanh, chúng tôi đang nghiên cứu để làm sao dân có thể nộp thuế thông qua các phương tiện điện tử như máy ATM, smartphone… Khi dự án này hoàn thành, hy vọng tình trạng cố tình nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ thuế sẽ chấm dứt.
Ngoài tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà, vẫn còn không ít doanh nghiệp phàn nàn về việc hoàn thuế chậm. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế tiến hành phân loại, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ hoàn thuế theo đúng quy định, còn trường hợp đủ điều kiện nhưng hồ sơ còn thiếu, chưa chính xác thì doanh nghiệp phải giải trình, bổ sung, nếu giải trình, bổ sung đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thì thực hiện hoàn thuế theo đúng quy định.
Ngược lại nếu giải trình, bổ sung hồ sơ không thỏa đáng, không đầy đủ thì tự động chuyển sang hình thức tiền kiểm khiến doanh nghiệp cho rằng, cơ quan thuế dây dưa trong quá trình hoàn thuế.
Cũng xin nói thêm là, 6 ngày đối với trường hợp hậu kiểm và 40 ngày đối với tiền kiểm theo quy định không bao gồm thời gian giải trình, bổ sung hồ sơ và không bao gồm thời gian doanh nghiệp chưa nhận được tiền hoàn sau khi có quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế.
Có thực tế là trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, không ít doanh nghiệp thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa rõ ràng, hóa đơn hoàn thuế giá trị gia tăng liên quan đến doanh nghiệp khác, thưa ông?
Đúng vậy. Cụ thể là doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của đối tác đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc phải chờ xác định hóa đơn của đối tác đang bị đình chỉ sử dụng hóa đơn do vi phạm pháp luật về thuế, hoặc phải chờ ngân hàng, hải quan, biên phòng xác minh về nguồn gốc thanh toán tiền… Điều này cũng làm mất khá nhiều thời gian trong khâu hoàn thuế, nhưng đây không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế.