Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
Vẫn thiếu quy định với “đại bàng”
Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37.
Dự thảo đã bổ sung nội dung về ưu đãi đầu tư đặc biệt của Luật Đầu tư 2020. Cụ thể là đầu tư thành lập (bao gồm cả thành lập mới và mở rộng) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư…
Phần bổ sung còn có dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Dự thảo còn thiếu quy định về điều kiện thời gian giải ngân đối với số vốn 20.000 tỷ đồng còn lại của các dự án “đại bàng” và 2.000 tỷ đồng của các trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Để tránh khoảng trống trong pháp luật và tạo cơ sở cho việc thực hiện hậu kiểm của cơ quan thuế, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung quy định rõ về thời gian giải ngân đối với số vốn còn lại của các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt này.
“Đây là điều kiện quan trọng để có thể thu hút các nhà đầu tư “đại bàng” có vốn đầu tư lớn vào các lĩnh vực cần được khuyến khích, đặc biệt về công nghệ cao, công nghệ mới, về nghiên cứu và phát triển, cần có thời gian giải ngân đủ ngắn để tránh bị lạc hậu”, Thường trực Ủy ban thẩm tra nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh nhiều ý kiến từ khu vực doanh nghiệp cho rằng, cơ chế quản lý thu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh nghiệp tự khai, tự xác định ưu đãi thuế, tự chịu trách nhiệm, bảo đảm các điều kiện để được hưởng ưu đãi, cơ quan thuế thực hiện hậu kiểm.
Tuy nhiên, các quy định phức tạp trong Dự thảo về các tiêu chí để được hưởng ưu đãi, như tiêu chí về mức vốn đầu tư, về lao động, về công nghệ cao... hiện chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng.
Vì vậy, các doanh nghiệp rất khó chứng minh việc đáp ứng các tiêu chí, cơ quan quản lý thuế cũng rất khó giám sát, đánh giá hậu kiểm về các nội dung giải ngân, định giá tài sản hay tổng mức đầu tư của dự án, về các tiêu chí công nghệ... tương ứng những ưu đãi thuế mà doanh nghiệp tự kê khai.
Các quy định phức tạp về ưu đãi thuế và tiêu chí hưởng ưu đãi sẽ ảnh hưởng đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và chi phí quản lý hậu kiểm của cơ quan thuế.
Do đó, Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, cần giải trình thêm về chi phí tuân thủ và tính hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát hậu kiểm đối với các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và hướng xử lý tại văn bản luật và văn bản hướng dẫn.
Điều hành thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn nhận xét tại báo cáo thẩm tra: “Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều nội dung sửa đổi của Dự thảo được luật hóa từ các văn bản dưới luật. Các chính sách ưu đãi thuế đang kế thừa cơ bản các quy định của luật hiện hành. Nội dung chính sách mới trong Dự thảo không thật sự đáng kể”. “Nếu nội dung chính sách mới không thật sự đáng kể, thì có cần sửa luật không”, ông Định nêu vấn đề.
Cũng băn khoăn về tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng dẫn quy định tại Dự thảo là, áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; áp dụng thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Theo ông Tùng, đây là những giá trị hết sức cụ thể, nội dung này được luật hóa từ nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu sau này xác định lại định nghĩa về doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, thì những quy định của luật này lại lỗi thời. “Những quy định chi tiết như vậy đề nghị nên rà soát rất kỹ”, ông Tùng góp ý.
Giảm thuế để hỗ trợ báo chí
Một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm cả chính sách với lĩnh vực báo chí.
Hiện tại, cơ quan báo chí được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) với thuế suất là 10%.
Vướng cái gì sửa ngay cái đó.
Tôi tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm kịp thời khắc phục những điểm bất cập của luật hiện hành liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các khoản chi phí được trừ và không được trừ.
Nhưng cần lý giải cho kỹ, thuyết phục Quốc hội vì sao phải sửa, sửa gì, sửa như thế nào.Quan điểm của tôi là, thấy vướng gì thì sửa ngay vấn đề đó, vấn đề gì đã chín, đã rõ thì sửa, vấn đề gì chưa chín, chưa rõ thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu.
Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền Quốc hội, Quốc hội quy định; những vấn đề gì thuộc thẩm quyền Chính phủ, nằm ở nghị định, ở thông tư, thì Chính phủ ban hành thực hiện và nếu có điều chỉnh thì sửa nghị định, thông tư sẽ nhanh hơn luật, vì sửa luật này sẽ vướng tới luật khác.
Theo các cơ quan báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh hoạt động báo in, cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí khác (báo nói, báo hình, báo điện tử) đều để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.
Ngoài ra, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo, nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển bùng nổ, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí sụt giảm rất lớn.
Trước tình hình nguồn thu từ hoạt động báo chí không còn nhiều (do suy giảm nguồn thu từ hoạt động báo in, cũng như nguồn thu từ hoạt động quảng cáo nói chung), việc hạch toán riêng các nguồn thu để khai, nộp thuế cũng ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí.
Vì thế, Cơ quan soạn thảo cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí.
Dự thảo đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác, ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, vấn đề ưu đãi thuế đã được các cơ quan báo chí nói nhiều. Hiện toàn bộ các cơ quan báo chí là cơ quan nhà nước, nguồn thu phần lớn dựa vào quảng cáo, trong khi “bánh quảng cáo” giảm đi rất nhiều. Các cơ quan báo chí nhìn chung rất khó khăn. Vì vậy, ông Vinh cho rằng, cần có mức ưu đãi chung với tất cả các loại hình báo chí.
Nhìn tổng thể về các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) đánh giá, Dự thảo tiếp tục duy trì hầu như toàn bộ các ưu đãi hiện hành - theo lĩnh vực ngành nghề và địa bàn với các hình thức ưu đãi thuế dựa trên thu nhập (thông qua thời gian miễn thuế, giảm thuế, các thuế suất ưu đãi) đang được quy định tại các văn bản dưới luật và một số các luật chuyên ngành khác.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Dự thảo đề xuất bổ sung một số đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế này.
Chẳng hạn, dự án đầu tư tại khu kinh tế ở địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm, tức là giảm một nửa thuế suất so với hiện hành.
Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật, ươm tạo, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo dự kiến được giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp, về 17% trong 10 năm.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi với doanh nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ hỗ trợ để khắc phục vướng mắc. Ngoài ra, Chính phủ đề xuất bổ sung áp dụng thuế suất ưu đãi cho các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đặc biệt theo Luật Đầu tư 2020, để đảm bảo thống nhất về pháp luật.