Cần “bộ lọc” kiểm toán theo sát các dự án đầu tư công

Cần “bộ lọc” kiểm toán theo sát các dự án đầu tư công

(ĐTCK) Bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán Deloitte chia sẻ với ĐTCK về những giải pháp rất hữu dụng để giám sát các dự án đầu tư công.

Là một trong 4 công ty kiểm toán & tư vấn hàng đầu - Big 4, lại có rất nhiều khách hàng là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, bà đánh giá thế nào về hiệu quả các dự án đầu tư công và vai trò của kiểm toán trong lĩnh vực này?

Hiện tại, khái niệm “ đầu tư công” được đưa ra một cách đơn giản là bao gồm toàn bộ các khoản đầu tư do Chính phủ và các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước tiến hành, bao gồm đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Chính phủ, vốn đầu tư phát triển của các DNNN và các nguồn vốn khác do Nhà nước quản lý.

Việc đầu tư công được thực hiện qua nhiều kênh, gồm DNNN, tổ chức đầu tư công và các tổ chức, đơn vi tiếp nhân nguồn vốn tài trợ. Với DNNN ở nước ta hiện nay, họ vừa đảm nhận chức năng đầu tư công, lại cùng với các hoạt động đầu tư nhằm mang lại hiệu quả kinh tế như một DN kinh doanh bình thường. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả đầu tư công qua kênh các DNNN cần làm rõ, tách bạch được và đánh giá được 2 chức năng này của DNNN. Khi chưa tách bạch được điều này sẽ khó đánh giá chính xác và sẽ còn nhiều ý kiến tranh cãi.

Ở góc độ một nhà kiểm toán độc lập, tôi cho rằng, có ba khía cạnh phải quan tâm trong một dự án đầu tư công, đó là: hệ thống chính sách quản lý dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư và quy chế, quy trình và chế tài giám sát đầu tư. Hiện nay, hệ thống quản lý chúng ta đã có nhưng rời rạc, rải rác, chưa đồng bộ. Hệ thống chính sách về quản lý và tiêu chí giám sát cũng cần xem lại để đánh giá nó có hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đưa ra hệ tiêu thức đánh giá hiệu quả của dự án từ khâu lập kế hoạch đầu tư, phân bổ ngân sách cho dự án, lập dự toán và triển khai dự án.

Hiện chúng ta cũng nói nhiều đến thực tế là các dự án đầu tư của Nhà nước dàn trải quá, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Có quá nhiều dự án nhưng năng lực triển khai, ngân sách không có, hoặc khi lập ngân sách, nhưng chỉ có một phần dựa vào vốn ngân sách đã phân bổ. Đến khi thực hiện thì giải ngân chậm, thời gian chờ đợi dài do giải ngân chậm, vốn vay tăng lên đã làm đội giá đầu tư. Đó là chưa kể đến do thời gian để đưa dự án vào sử dụng dài hơn, chi phí cao hơn, nhân công nhiều hơn… khiến dự án kém hiệu quả.

Tại nhiều dự án của DNNN luôn gặp phải 2 vấn đề: tính tuân thủ quá trình lập dự toán và triển khai dự án, tổng vốn ít nhưng đầu tư dàn trải nhiều. Tổng vốn đầu tư thì chung nhưng trong đó có nhiều dự án khác nhau, có dự án đầu tư công, có dự án đầu tư theo chức năng kinh doanh của DN, dẫn đến DN bị lẫn lộn nguồn vốn trong khi mục tiêu sử dụng dự án khác nhau. Hiện nay, kiểm toán chỉ hậu kiểm. Khi dự án làm xong, hoàn thành rồi thì kiểm toán (bao gồm cả Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán đôc lập ) mới thực hiện công việc kiểm toán - tập trung vào xem xét tính tuân thủ của dư án bao gồm tuân thủ quy trình đấu thầu, quy trình đầu tư, chi tiêu có đúng đối tượng, đúng mục đích không, theo đúng dự toán công trình không và đưa ra ý kiến nhận xét trên cơ sở đó.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, dưới góc độ một nhà kiểm toán, tôi thấy nên bổ nhiệm kiểm toán ngay từ đầu - khi dư án bắt đầu triển khai. Tùy theo quy mô của dự án, bộ/ngành chủ quản, chủ đầu tư cần lập một ủy ban giám sát về vấn đề lập dự toán của các dự án đó ngay từ giai đoạn khởi đầu và có một ủy ban đánh giá cấp cao tầm quốc gia về hiệu quả các dự án đối với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia.

 Cần “bộ lọc” kiểm toán theo sát các dự án đầu tư công ảnh 1

Bà Hà Thị Thu Thanh: "Kiểm toán cần được tham gia ngay từ quá trình lập dự toán và triển khai dự án"

Đầu tư công được thực hiện qua DNNN rất nhiều. Tuy nhiên, nếu như chúng ta chỉ thực hiện ở khâu “hậu kiểm” rõ ràng kết quả kiểm toán thường mang tính chấp nhận và rất khó để thực hiện các kiến nghị kiểm toán đưa ra?

DNNN đã thuộc diện bắt buộc thực hiện kiểm toán độc lập đối với các báo cáo tài chính tư nhiều năm nay theo quy đinh của Nghị định kiểm toán độc lập. Nếu DNNN có thực hiện đầu tư các dư án loại A thì cũng bắt buộc kiểm toán. Ngoại trừ vốn đầu tư được cấp cho các công trình trọng điểm/chương trình mục tiêu quốc gia, DNNN cơ bản chỉ dùng vốn chủ sở hữu, quý đầu tư và phát triển của DN và vốn bảo lãnh của Chính phủ để đầu tư. Việc quyết toán từng công trình này được thực hiện riêng, nhưng nguồn vốn nhiều khi theo dõi chung, lẫn lộn trong tổng nguồn vốn của DNNN. Khi thực hiện các dự án trọng điểm, do Nhà nước chỉ định thì DN được cấp vốn  quyết toán riêng theo dự án.

Riêng vốn công trình đầu tư trong DN dùng vốn ngân sách được cấp từ đầu (vốn chủ sở hữu) thì nằm lẫn trong báo cáo tài chính. Câu chuyện đặt ra là khó có thể tách bạch các dự án dùng vốn chung, nên khi kiểm toán đánh giá hiệu quả sẽ khó đưa ra số liệu tách bạch.

 

Gần đây người ta cũng nghi ngờ đạo đức của kiểm toán trong nhiều vụ việc đổ bể ở các DN. Vai trò của kiểm toán ở đâu trong việc cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư và công chúng, cũng như xã hội?

Những sai sót trong hệ thống kế toán, báo cáo tài chính, kế toán nằm trong phạm vi công việc, soát xét của kiểm toán. Nhưng những gian lận thương mại trong quá trình kinh doanh được hợp thức hóa về thủ tục tài chính, thủ tục đầu tư thể hiện trên con số kế toán, bằng soát xét thông thường các kiểm toán viên khó phát hiện được. Chênh lệch số liệu kiểm toán với thực tế thua lỗ nhiều khi nằm ở gian lận trong quá trình kinh doanh được hợp thức hóa trong các con số, báo cáo tài chính, mà kiểm toán viên không thể đối chiếu.

Công luận nhiều khi cứ nhìn gian lận trong báo cáo tài chính, thua lỗ tiềm ẩn và cho rằng kiểm toán cần có trách nhiệm. Kiểm toán viên khó có trách nhiệm được trong những trường hợp đó. Họ thực hiện công việc kiểm toán bằng các kỹ thuật kiểm tra, soát xét trên hệ thống thông tin được khách hàng cung cấp, đó là hệ thống thông tin kế toán và các số liệu trình bày trên báo cáo tài chính được lấy từ hệ thống kế toán. Hệ thống kinh doanh đằng sau, nếu DN đưa vào gian lận, mà những gian lận đó đã được hợp pháp hóa bằng các thủ tục, quy trình đầu tư, các thủ tục tài chính sẽ vượt tầm của kiểm toán độc lập. Bởi vậy mới có chuyện trách nhiệm lập báo cáo tài chính là của DN, một khi có gian lận và  DN cố tình giấu nó đi, kiểm toán viên khó can thiệp. Tất nhiên kiểm toán có khả năng phát hiện, cảm nhận lờ mờ là không ổn, song không có khả năng và điều kiện làm rõ.

 

Với thời gian, tốc độ và số tiền giải ngân vào nền kinh tế lớn, ước tính hơn 20.000 tỷ đồng/tháng từ nay đến cuối năm, theo bà phải làm thế nào để sau khi dự án kết thúc, việc kiểm toán không mang ý nghĩa hợp thức hóa những vấn đề đã rồi trong quá trình đầu tư?

Gốc của vấn đề các dự án đầu tư công là cơ chế điều hành theo ngân sách cứng, nhưng bản thân ngân sách của Việt Nam lại linh hoạt, theo kiểu “ngân sách mềm”. Đầu năm các dự án cầm chừng hoặc vay vốn để làm rồi cuối năm giải ngân ồ ạt, quyết toán ồ ạt.

Làm như thế, nhìn thấy ngay rằng công trình bị đội chi phí do lãi vay.... Nhiều dự án không có khả năng giải ngân, vay vốn, nhưng cuối năm lại ồ ạt giải ngân nên chi tiêu không đúng mục đích, hoặc tạm dùng vốn sai mục đích, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Nói khác đi, thì gốc của nó là đầu tư dàn trải. Kiểm toán vào cũng chỉ có thể “bóc” ra và đề nghị xem lại mà thôi.

Do vậy kiểm toán nên được tham gia ngay từ quá trình lập dự toán và trong quá trình triển khai dự án, để xem việc tuân thủ chi tiêu đúng đối tượng, đúng công trình không? Đây là thông lệ các quốc gia phát triển đều thực hiện. Làm vậy, sẽ tránh chuyện như hiện nay chi sai rồi, kiểm toán có chỉ ra cũng đã muộn.