Cần “bộ lọc” khắc phục tình trạng người nước ngoài núp bóng mua đất tại Việt Nam

Phát biểu tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng pháp luật sáng 22 của Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phản ánh, cử tri rất quan tâm đến vấn đề kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài, liên quan đến an ninh quốc phòng.
Cần “bộ lọc” khắc phục tình trạng người nước ngoài núp bóng mua đất tại Việt Nam

Đại biểu Nghĩa cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cứu bổ sung quy định điều chỉnh trong xem xét và cấp giấy chứng nhận với dự án đầu tư mới, hoạt động góp vốn mua cổ phần.

Nhưng, thực tế vừa rồi cho thấy pháp luật đang có chỗ trống, có điểm sơ hở khi nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở này, tạo ra nguy cơ xâm phạm chủ quyền.

"Tất cả nhân dân và cử tri quan tâm vì tình hình người nước ngoài núp bóng mua đất ở những lĩnh vực nhạy cảm đã được chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, nhưng Bộ trưởng trả lời trước Quốc hội là chưa thấy gì. Vừa rồi cử tri phản ánh người nước ngoài lập xóm lập phố ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an cũng trả lời không thấy gì, nhưng báo cáo của Bộ Quốc phòng người dân hoan nghênh, rất trúng với nghị quyết 50", đại biểu Nghĩa phát biểu.

Liên quan đến vấn đề này, trước thềm kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Dautuonline đã có bài phản ánh thông tin Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng người Trung Quốc sở hữu những vị trí đất đắc địa tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển thành phố Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND thành phố Đà Nẵng.

Vị trí các lô đất dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ hai cá nhân (người Trung Quốc và Đài Loan) từ năm 2011 đến 2015 đã đầu tư tiền cho 8 người (trong đó 6 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỷ VND.

Về doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng nêu rõ có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm.

Để sở hữu các lô đất ở thành phố Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hai hình thức: thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam, ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp, do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Cách nữa là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô... Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ, Bộ Quốc phòng nhận định.

Đại biểu Nghĩa cho rằng cần có bộ luật triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 như bộ lọc để đảm bảo an ninh , quốc phòng.

Lâu nay ta nói an ninh quốc phòng thì cứ nghĩ an ninh truyền thống, nhưng an ninh phi truyền thống vừa rồi làm đảo lộn toàn cầu như đại dịch Covid-19. Đại dịch vừa rồi như cảnh báo cho chúng ta cần phải quan tâm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa nhìn nhận, quy định hiện  hành sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng biên giới từ 50 ha trở lên phải hỏi ý kiến Quốc hội, nhưng ở mức dưới đó thì không thấy hỏi ai. Mà ở vùng đất nhạy cảm chỉ cần 5-10ha đã có nguy cơ,như báo cáo Bộ Quốc phòng vừa rồi chỉ ra 1 loạt đất được mua ở sân bay, không có bộ lọc nào cả. Trong khi các quốc gia khác đều có những bộ lọc này và nhà đầu tư khi vào cần phải biết.

Vẫn theo đại biểu Nghĩa thì quy định về đầu tư gián tiếp hiện nay còn rất lỏng lẻo. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đại biểu tiếp xúc cho biết không vào đầu tư trực tiếp mà gián tiếp vì đầu tư trực tiếp rất phức tạp, nhất là đất đai. Như vậy nếu họ mua vốn kiểm soát thì có thể trở thành chủ và chi phối dự án, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đề nghị triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị , đại biểu Nghĩa đề nghị cần có luật thu hút đầu tư nước ngoài trên tinh thần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, an ninh truyền thống và phi truyền thống, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thương mại xuất nhập khẩu, đầu tư, di dân và du lịch.

Tin bài liên quan