Thay vì chỉ quan tâm tới doanh thu, DN nên chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 	Ảnh: HOÀI NAM

Thay vì chỉ quan tâm tới doanh thu, DN nên chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận Ảnh: HOÀI NAM

Cần biết dự phòng để tiến

(ĐTCK-online) Là giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) chống đỡ với các sự cố xảy ra, hạn chế tối đa sự tác động từ khủng hoảng dây chuyền.

Cần đưa ra các phương án dự phòng là điều được ông Dominic Barton, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn Mc Kensey tại châu Á đề cập tại buổi nói chuyện với hơn 100 DN với chủ đề “Lãnh đạo DN trong thời kỳ khủng hoảng” vừa được Khoa Quản trị kinh doanh (HSB), Trường đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Theo ông Dominic Barto, việc thiếu phương án dự phòng sẽ khiến DN khó chống đỡ với các sự cố xảy ra, dễ đưa đến các tác động dây chuyền.

“Chúng ta nhớ cách đây không lâu, khi có vụ cháy một con chip điện tử xảy ra ở bang Texas (Mỹ), Nokia vẫn chưa qua mặt được Ericsson. Nhưng chỉ sau việc này, chuyện đó đã xảy ra vì một nguyên nhân rất cơ bản là Nokia có phương án dự phòng cho mình về một nhà cung cấp chip điện tử khác, trong khi Ericsson thì không”, ông Dominic Barton cho hay. Khi những DN đưa ra được các phương án dự phòng tốt cho mình để tránh được một cuộc khủng hoảng ở quy mô DN, thì sẽ góp phần cứu cả nền kinh tế tránh được một cuộc khủng hoảng lớn.

“Phần lớn các cuộc khủng hoảng đều bắt nguồn từ sự yếu kém trong ngành sản xuất vật chất, đặc biệt là do các công ty không duy trì được hiệu quả hoạt động và lợi nhuận”, ông Dominic Barton phân tích. Cộng thêm sự “tiếp sức” từ phía ngân hàng, khiến các khoản nợ xấu tăng lên và một số yếu tố khác như điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, các yếu tố ngoại sinh…, khiến khủng hoảng tài chính xảy ra theo dây chuyền.

Mười dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng đã được ông Dominic Barton đưa ra giúp các DN có thể nhìn nhận để định ra những chính sách phù hợp với đơn vị mình. Đó là khi lợi nhuận của DN thấp hơn chi phí trung bình về vốn, tỷ lệ giữ dòng tiền mặt các khoản thanh toán lãi của một công ty giảm xuống dưới 2 lần, danh mục cho vay của các ngân hàng tăng nhanh hơn 20% trong vòng 2 năm, bong bóng giá tài sản… Những dấu hiệu này được ông Dominic Barton nghiên cứu từ các cuộc khủng hoảng tài chính từng xảy ra trong quá khứ và đưa ra các dấu hiệu chung.

“Chỉ 5 năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra (năm 1997), nhiều công ty hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Kumho đều có một mô hình rất sai lầm. Lãnh đạo của những DN này coi trọng sự tăng trưởng của doanh thu hơn tăng trưởng lợi nhuận”, ông Dominic Barton cho biết. Chính mô hình này trong bối cảnh có khủng hoảng tài chính sẽ đẩy DN vào nợ xấu và dễ dẫn đến những đổ vỡ dây chuyền. Nhưng những DN này đã có các thay đổi tức thời và đạt được sự tăng trưởng nhanh như hiện nay.

Đưa ra lời khuyên, ông Dominic Barton  cho rằng, việc chú trọng hơn đến tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận là điều các DN cần chú ý, thay vì chỉ quan tâm tới sự tăng trưởng về mặt doanh thu như mô hình hiện nay ở không ít DN Việt Nam. Riêng đối với DN nhà nước, lãnh đạo DN cần giám sát kỹ hơn việc trang trải lãi suất của chính đơn vị mình. Việc chú trọng đầu tư quá nhiều vốn vào lĩnh vực bất động sản của nhiều DN hiện nay cũng là điều đáng lưu ý.

Tuy nhiên, ông Dominic Barton cũng cho rằng, trong bối cảnh xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính (nếu có), thì đây cũng sẽ là cơ hội tốt cho DN nào đã tính đến phương án dự phòng và biết tận dụng. “Khi khủng hoảng tài chính xảy ra cũng là lúc việc mua bán, sáp nhập các công ty diễn ra sôi động hơn lúc nào hết. Những DN có tham vọng có thể xem đây là một cơ hội lớn để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình”, ông Dominic Barton khẳng định.