Lương hưu là khoản tiền Bảo hiểm Xã hội chi trả cho những người lao động đến độ tuổi về hưu đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước đó. Vì ngày được hưởng lương hưu nằm trong tương lai xa, nên lương hưu phải bù đắp cho phần sức mua bị mất đi do lạm phát tích lũy trong thời gian từ lúc đóng đến lúc lĩnh lương hưu.
Do đó, hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí phải có lợi nhuận cao hơn lạm phát. Với tham vọng của Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, sức ép lên quỹ hưu trí (Bảo hiểm Xã hội) còn cao hơn, vì những người đóng bảo hiểm hôm nay sẽ kỳ vọng lương hưu của họ phải tương xứng với mức thu nhập cao tại thời điểm họ nghỉ hưu trong hơn hai thập kỷ tới.
Cho đến nay, các khoản đầu tư của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tập trung vào trái phiếu chính phủ. Đây là khoản đầu tư an toàn, mang lại lợi nhuận dương. Tuy nhiên, quy mô ngày càng lớn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và sự thành công gần đây của nền kinh tế Việt Nam đã góp phần đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp hơn tỷ lệ lạm phát (Hình 1). Vì vậy, sức ép đa dạng hóa kênh đầu tư để gia tăng hiệu quả đầu tư của quỹ hưu trí dần tăng lên.
Hình 1: Tương quan lợi suất trái phiếu chính phủ và lạm phát. |
Khi xem xét các kênh đầu tư, quỹ hưu trí phải cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Đầu tư của quỹ hưu trí là đầu tư dài hạn nên điều quan trọng là phải xem xét tính rủi ro dài hạn của khoản đầu tư đó. Trái phiếu chính phủ an toàn, nhưng đầu tư quá nhiều vào trái phiếu chính phủ có thể tạo rủi ro tài chính nếu không tạo ra đủ lợi nhuận để bảo vệ hay tăng sức mua trong tương lai của người nghỉ hưu.
Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy chứng khoán doanh nghiệp (cả cổ phiếu và trái phiếu) có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn lạm phát trong dài hạn. Kể cả ở Việt Nam, nơi thị trường chứng khoán nổi tiếng là dễ biến động, đầu tư vào cổ phiếu trong dài hạn vẫn mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận gấp đôi lạm phát (Hình 2).
Hình 2: Tương quan chỉ số VN-Index và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). |
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần xây dựng năng lực đầu tư gián tiếp. Từ chỗ tập trung vào trái phiếu chính phủ, cơ quan này cần được cho phép dành một tỷ trọng nhỏ (5 - 10%) các quỹ đầu tư vào các loại tài sản mới trong 3 - 5 năm tới.
Với các loại tài sản mới, cách thiết thực nhất là đầu tư thông qua các quỹ ủy thác, được quản lý bởi các chuyên gia được cấp phép. Hiện có rất nhiều công ty quản lý tài sản ở Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, có nhiều năm kinh nghiệm và thành tích, có thể giúp quản lý một phần khoản đầu tư của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Thông qua quá trình này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể học hỏi và có thời gian để phát triển năng lực nội tại của mình.
Các quỹ hưu trí khác trong khu vực, chẳng hạn như ở Nhật Bản và Malaysia, đã bắt đầu hành trình này cách đây vài thập kỷ và ngày nay đã trở thành nguồn thu nhập hưu trí đáng tin cậy cho người dân.
Sự kết hợp giữa đầu tư trong nước và quốc tế, giữa trái phiếu chính phủ với chứng khoán doanh nghiệp và các loại tài sản khác đã mang lại lợi nhuận cho quỹ hưu trí Malaysia cao hơn 2,5% so với lãi suất trái phiếu chính phủ mỗi năm. Nếu gộp các khoản lợi nhuận như vậy trong 20 năm, các quỹ hưu trí sẽ mang lại mức thu nhập cao hơn cho người nhận lương hưu.
Sự tham gia của quỹ hưu trí vào chứng khoán doanh nghiệp cũng có thể giúp thị trường vốn phát triển hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến sự biến động cao trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam một phần là do thiếu các nhà đầu tư tổ chức dài hạn quy mô lớn, thị trường bị chi phối bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường xuyên ra vào thị trường, bị ảnh hưởng bởi các sự kiện ngắn hạn.
Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là nhà đầu tư dài hạn và quyết định đầu tư hay ngừng đầu tư không bị chi phối bởi các sự kiện ngắn hạn. Sự có mặt của các nhà đầu tư tổ chức như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ làm giảm biến động trên thị trường chứng khoán doanh nghiệp và khi đó cũng tạo ra rủi ro thấp hơn cho khoản đầu tư của tổ chức này.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi Luật Bảo hiểm xã hội phải tạo điều kiện đa dạng hóa hình thức đầu tư cho Quỹ Bảo hiểm Xã hội, để đạt được sự cân bằng giữa an toàn tài sản và tính bền vững lâu dài của Quỹ.
Tại Điều 126, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có quy định, nguyên tắc hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm Xã hội là phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
Theo đó, dự thảo quy định các hình thức đầu tư của Quỹ Bảo hiểm Xã hội gồm:
a) Mua trái phiếu Chính phủ;
b) Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
c) Cho ngân sách nhà nước vay.