1. Ở các nước phát triển, các công ty luôn chú trọng và đề cao việc xây dựng chiến lược và chính sách quản trị nguồn nhân lực gắn với mô hình quản trị công ty. Bên cạnh việc xây dựng chính sách đãi ngộ tốt, việc tạo ra một môi trường làm việc tốt cùng văn hóa doanh nghiệp, thì câu chuyện “work - life balance” (cân bằng công việc - cuộc sống) luôn được đề cập tới.
Thực tế, không có một định nghĩa rõ ràng về “work - life balance”, bởi mỗi người sẽ xác định mức cân bằng giữa công việc và cuộc sống khác nhau. Chính vì vậy, xu hướng phổ biến ở các nước phát triển trong một vài năm gần đây là tích hợp, gắn kết công việc và cuộc sống (work - life integration).
Với mỗi người, nếu coi công việc là một phần không thể thiếu của cuộc sống, công việc là sở thích và đam mê của mỗi người và không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống, để từ đó vui vẻ chấp nhận một cách tự nhiên, áp lực đối với mỗi người sẽ giảm. Và ở một chiều khác, công ty tạo một môi trường làm việc tốt (không chỉ là sự chuyên nghiệp) để nhân viên cảm thấy mỗi ngày đến công ty chẳng khác gì trở về với gia đình thì họ cũng gắn kết chặt chẽ hơn.
Do vậy, đối với nhà quản lý doanh nghiệp, mấu chốt của chính sách “work - life balance” hay “work - life integration” là phải để nhân viên được chủ động giữa công việc và cuộc sống. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp sao cho nhân viên cảm thấy công ty như một “ngôi nhà chung”, nơi họ có cơ hội được thử thách, phát triển bản thân, được nâng cao chất lượng cuộc sống, nơi họ làm việc cho chính họ và gia đình mình; từ đó họ sẽ tự cảm thấy yêu công việc và sẵn sàng cống hiến hơn. Đó là chính sách nhân sự mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang hướng tới.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên,Deloitte Việt Nam
Theo số liệu nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Đức là quốc gia làm việc ít nhất thế giới với 1.371 tiếng/năm, tương đương khoảng 26 tiếng/tuần, và chỉ 5% người lao động ở Đức làm việc nhiều giờ.
Thời gian làm việc ít hơn so với người lao động của các nước khác, nhưng người Đức lại có năng suất lao động cao hơn nhiều. Chính văn hóa làm việc chuyên nghiệp, với tính kỷ luật cao và quản lý thời gian rất tốt là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả công việc của họ.
Họ làm ra làm, chơi ra chơi. Thời gian nghỉ ngơi nhiều giúp họ nâng cao năng suất lao động hơn sau mỗi kỳ nghỉ. Nhìn vào thực tế những gì người Đức làm được, có thể thấy, họ là ví dụ điển hình của sự hiệu quả cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
2. “Work - life balance” theo quan điểm truyền thống là sự cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và thời gian nghỉ ngơi, dành cho cuộc sống riêng.
Tại Deloitte Việt Nam, chúng tôi hiểu và triển khai các chính sách nhân sự trong suốt quá trình phát triển hơn 25 năm qua theo cách “hài hòa công việc và cuộc sống” và cao hơn gắn kết công việc và cuộc sống (work - life integration).
Chúng tôi hướng tới chất lượng của khoảng thời gian dành cho công việc và thời gian dành cho cuộc sống hơn là sự cân bằng mang tính định lượng giữa chúng.
Với đặc thù của ngành nghề cung cấp dịch vụ chuyên môn về tư vấn và kiểm toán đòi hỏi tính sáng tạo, đổi mới và áp dụng công nghệ trong cách thức làm việc cùng với đội ngũ nhân sự đa thế hệ, chúng tôi nhận thức sự cần thiết phải xây dựng một môi trường văn hóa làm việc để đảm bảo sự hài hòa và đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu của cả công ty, khách hàng và đội ngũ nhân viên.
Yếu tố cốt lõi của sự hài hòa được xây dựng trong văn hóa Deloitte chính là sự đam mê (hay theo cách gọi của riêng chúng tôi là “máu lửa”). Mỗi nhân viên khi gia nhập đại gia đình Deloitte được các thế hệ đi trước truyền cho sự đam mê và nhiệt huyết để cháy hết mình trong công việc và cuộc sống.
Chúng tôi luôn hướng nhân viên của mình tới khẩu hiệu “work smart - play hard” (làm hết mình - chơi hết sức). Và với tinh thần sống hết mình đó, dù có đang làm việc hay nghỉ ngơi cùng gia đình, bạn bè, họ cũng có thể tìm thấy sự cân bằng, bởi họ tìm thấy niềm vui trong công việc cùng hạnh phúc trong cuộc sống.
Khi đó, yếu tố cân bằng ở đây không đo đếm bằng thời gian mà được đo bằng chỉ số cảm xúc - đó là niềm vui, sự tự hào, sự ghi nhận và niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng các chính sách đãi ngộ, cũng như xây dựng văn hóa “ghi nhận thành tích” bởi chúng tôi tin rằng, sự ghi nhận luôn tạo nên những giá trị tốt đẹp, làm tăng chỉ số cảm xúc của nhân viên, giúp họ tìm được sự hài hòa trong công việc và cuộc sống.
Ban lãnh đạo Deloitte Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo phát triển nhân viên và xây dựng cơ chế và trao quyền cho đội ngũ kế cận. Khi đội ngũ giỏi thì mọi người có thể tương trợ lẫn nhau, dù ở cùng hay khác cấp bậc và một đội ngũ mạnh từ bên dưới có thể hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý cấp trên. Nhờ đó, các hoạt động kinh doanh của Công ty cũng như công việc các phòng, ban vẫn được triển khai trơn tru dù vị trí nào đó vắng mặt để toàn tâm toàn ý cho cuộc sống riêng.
Ngoài ra, để tạo điều kiện tối đa cho mỗi người trong công việc, chúng tôi nỗ lực tạo môi trường làm việc linh hoạt, quản lý theo hiệu quả công việc.
Chúng tôi chú trọng việc đào tạo về quản lý thời gian cho nhân viên, cũng như khuyến khích việc chăm sóc sức khỏe bản thân để tái tạo sức lao động, các chương trình văn thể mỹ được tổ chức định kỳ để tăng cường thể chất cũng như tinh thần của nhân viên.
Ở một góc độ nào đó, chính sách “work - life integration” là một phần quan trọng trong quản trị con người và có vai trò quan trọng trong chiến lược quản trị công ty của Deloitte Việt Nam.
3. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tiệm cận với những thông lệ quản trị tiên tiến của thế giới, mà xây dựng môi trường làm việc cân bằng/hài hòa cho người lao động là một phần trong đó.
Tại nhiều công ty, đặc biệt là những công ty phần mềm trong nước có phòng tập thể thao, lớp học yoga, café book, cafeteria trong công sở để nhân viên vừa có thể thư giãn vừa có thể giao lưu với nhau; các thiết kế văn phòng hướng tới việc giúp nhân viên có thể tương tác được với nhau nhiều hơn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chính sách không làm việc ngày cuối tuần/sau giờ làm việc, hoặc linh hoạt thời gian, không gian làm việc (có thể xử lý công việc ở nhà) cho nhân viên trong giai đoạn nuôi con nhỏ, hỗ trợ mua bảo hiểm khám sức khỏe tự nguyện cho nhân viên và người thân… cũng đang được nhiều doanh nghiệp trong nước áp dụng.
Đi cùng với đó là áp dụng các chính sách quản lý nhân sự tiên tiến, chấm điểm hiệu quả công việc của nhân viên và đưa ra cơ chế lương thưởng để khuyến khích nhân viên nâng cao hiệu quả; tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động.
Phát triển bền vững ngày càng được quan tâm trên thế giới, từ chính phủ các nước, tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Sự bền vững của một doanh nghiệp, trong đó có chính sách nhân sự bền vững, là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thu hút vốn dòng đầu tư trong và ngoài nước, bởi phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có thể tồn tại lâu dài hơn, giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.
Các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các chỉ số phi tài chính và nhìn nhận tiềm năng của doanh nghiệp thông qua hệ thống quản trị công ty của doanh nghiệp đó, trong đó có quản trị nguồn nhân lực. Vì vậy, thiết lập khung quản trị nhân sự theo hướng hài hòa và gắn kết công việc - cuộc sống không chỉ là cách giữ chân, chiêu mộ nhân tài, mà còn giúp doanh nghiệp tăng sức hấp dẫn trong mắt đối tác, giới đầu tư.