Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm tại Quỹ Tín dụng nhân dân Phú Túc (Hà Nội) cuối tháng 7 vừa qua, đại diện của Quỹ đã tỏ ra bối rối trước những yêu cầu Hội đồng xét xử đưa ra. Ðại diện quỹ này thừa nhận, bị cáo Phạm Thị Toan (sinh năm 1978, thủ quỹ của Quỹ) sử dụng phôi sổ tiết kiệm có sẵn chữ ký, con dấu của Giám đốc Quỹ để phát hành sổ tiết kiệm cho khách hàng Trần Văn Chín.
Sau đó, Toan đưa thẻ lưu sổ tiết kiệm (chưa điền nội dung) cho khách hàng ký. Khi khách hàng ra về, Toan ghi thông tin sai lệch vào thẻ lưu sổ tiết kiệm có số seri khác, giả chữ ký khách hàng để chiếm đoạt số tiền 399,5 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Quỹ tín dụng không đồng ý trả lại số tiền trên cho khách hàng, đồng thời yêu cầu tòa án phải làm rõ chữ ký, con dấu của Giám đốc Quỹ thời điểm đó để xác định vai trò và trách nhiệm của người này. Quỹ cũng thừa nhận đã buông lỏng quản lý với cán bộ của mình nhưng yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền cho Quỹ, rồi Quỹ sẽ thanh toán lại cho khách hàng.
Hội đồng xét xử đã công bố lại biên bản phiên tòa sơ thẩm diễn ra trước đó 5 tháng thì Quỹ tín dụng có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng. Một thẩm phán vặn hỏi: “Quỹ tín dụng được thành lập hợp pháp. Khách hàng chỉ biết gửi tiền vào quỹ tín dụng thì quỹ phải có trách nhiệm quản lý chứ?”. Sau một hồi suy nghĩ, đại diện Quỹ tín dụng đã rút toàn bộ đơn kháng cáo.
Câu chuyện trách nhiệm của tổ chức tín dụng/ngân hàng trong những vụ cán bộ làm “thụt két” đã hao tổn nhiều giấy mực của báo giới. Mặc dù có những bản án đã có hiệu lực, nhưng người dân vẫn không khỏi lo lắng về sự an toàn của những đồng tiền đem gửi vào ngân hàng. Thực ra, thủ đoạn phạm tội không quá xa lạ. Các đối tượng thường lợi dụng vị trí, chức vụ được giao để làm giả chữ ký, giả hồ sơ, lập khống giấy ủy quyền, chứng từ rút tiền, chi tiền mặt… của khách hàng rồi rút tiền. Tuy nhiên, việc xem xét ai là người phải bồi thường dân sự là vấn đề mấu chốt khiến vụ án bị kéo dài.
Theo luật sư Vy Văn Minh (Ðoàn Luật sư TP. Hà Nội), khách hàng gửi tiền vào ngân hàng nếu đã hoàn tất mọi thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và của ngân hàng thì việc gửi đã xong. Giữa ngân hàng và khách hàng đã xác lập xong với nhau quan hệ pháp luật gửi tiền.
Ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền gửi của khách hàng theo quy định của pháp luật. Ngân hàng chỉ được phép giải ngân (chi trả, thanh toán hay chuyển số tiền này của khách hàng cho ai đó) sau khi có lệnh chi hợp pháp từ khách hàng. Số tiền gửi của khách hàng bị thất thoát (ra khỏi ngân hàng) vì bất kể lý do gì khi không có lệnh chi hợp pháp của khách hàng thì đều do lỗi của ngân hàng.
Ngân hàng phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người gửi tiền. Bởi lẽ, trong quan hệ này, khách hàng là người bị thiệt hại, còn ngân hàng là người gây thiệt hại (do có lỗi trong quản lý tiền của khách hàng).
Cũng theo luật sư Minh, việc nhân viên của ngân hàng làm giả hồ sơ, chữ ký của khách hàng hay của ngân hàng để rút tiền của khách hàng gửi tiền là quan hệ pháp luật khác. Khi đó, ngân hàng là người bị hại, còn nhân viên đó là người phạm pháp, người gây thiệt hại, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Trong quan hệ này, khách hàng gửi tiền đứng ở vị trí là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc xác định quan hệ pháp luật là yếu tố căn bản nhất để giải quyết các vụ án hình sự. Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng vừa qua, cơ quan tố tụng cũng có quan điểm trái chiều.
Ðiển hình như vụ đại án Huyền Như lừa đảo 4 công ty, sau rất nhiều phiên xử, tòa án tuyên buộc Huyền Như phải bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng cho các khách hàng, tức là xác định khách hàng là người bị hại.
Gần đây nhất, các khách hàng trong vụ án Cấn Phương Nhung (sinh năm 1990, ở Lào Cai, cựu cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Cam Ðường) mong muốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả tiền song cũng không được chấp nhận.
Còn tại vụ án ở Eximbank, tòa án xác định Lê Nguyễn Hưng (nguyên là Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM, đang bỏ trốn) chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Eximbank. Tức là ngân hàng là bên bị hại, khách hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên ngân hàng phải trả khách hàng tiền gốc và lãi.
“Pháp luật hiện nay quy định rất rõ, nhưng vì lý do nào đó mà những người áp dụng pháp luật có những quan điểm khác nhau. Vì thế, cần thiết phải có một án lệ cho những tình huống như thế này”, luật sư Minh nói thêm.