Về nguốn vốn bảo trì trung hạn, hiện mạng lưới quốc lộ có 146 tuyến với tổng chiều dài trên 23.000 km được duy tu, sửa chữa bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ.
“Nguồn vốn bảo trì đường bộ còn thiếu. Trước năm 2013 chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu vốn tối thiểu. Từ năm 2013 đến nay mới đáp ứng được khoảng 40%. Tình trạng này kéo dài dẫn đến công tác bảo trì không được thực hiện đầy đủ, việc sửa chữa đường phải thụ động, hỏng đâu sửa đó”, ông Huyện cho biết thêm.
Về nhu cầu vốn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng nhu cầu vốn bảo trì trung hạn 10 năm tới, giai đoạn 2019-2030 bảo trì đúng theo quy định, tổng nhu cầu vốn sẽ cần trên 360.000 tỷ đồng. Số liệu này được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn, định mức hiện hành, trong đó có tính cả hệ số trượt giá.
Còn theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, tính đến ngày 31/3, nguồn thu Quỹ đạt trên 1.800 tỷ đồng, bằng 121% so với cùng kỳ 2017 và đạt trên 28% kế hoạch thu cả năm 2018. Trung bình một ngày thu trên 28 tỷ đồng.
Về công tác giải ngân, Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã giao toàn bộ kinh phí cho các đơn vị sử dụng theo đúng tỷ lệ vốn giao đợt I/2018, đạt tỉ lệ 100% vốn giao từ Bộ Tài chính và bằng 25% dự toán giao của năm 2018. Hiện các đơn vị đã giải ngân được trên 1.400 tỷ đồng, đạt khoảng 70% vốn được giao.