Camimex (CMX): Cổ đông có bị “đánh cắp” quyền lợi?

Camimex (CMX): Cổ đông có bị “đánh cắp” quyền lợi?

(ĐTCK) Phân tích hoạt động của Công ty cổ phần Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex, mã CMX), không ít câu hỏi đang được nhà đầu tư đặt ra, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc Công ty tự từ bỏ hoặc giảm quyền lợi của mình tại các công ty con, công ty liên kết có hoạt động hiệu quả.

Báo cáo tài chính sau kiểm toán 2019 của CMX đã lộ ra nhiều vấn đề các nhà đầu tư cần lưu ý. Bên cạnh lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với trước kiểm toán, từ 140,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 77,8 tỷ đồng, báo cáo còn chỉ ra phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (phần lợi ích thực sự mà cổ đông CMX nhận được) giảm còn một nửa so với năm 2018, còn so với báo cáo tự lập giảm đến 71%, chỉ còn vỏn vẹn 41,1 tỷ đồng.

Báo cáo đã phần nào cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là tỷ lệ sở hữu của CMX tại các công ty con giảm.

Cụ thể, tại CTCP Camimex (tên cũ là Công ty TNHH Camimex), tỷ lệ sở hữu của CMX đã giảm từ 99,99% xuống 75,09% trong 2019 khi Công ty này chuyển đổi sang CTCP và tăng vốn điều lệ qua phát hành tăng vốn từ 416,8 tỷ đồng lên 555 tỷ đồng nhưng công ty mẹ không tham gia.

Tương tự là tại CTCP Camimex Organic (tên cũ là Công ty TNHH MTV sản xuất Tôm giống sinh thái - Camimex) tỷ lệ lợi ích của CMX cũng giảm từ 100% xuống 81,1% khi đơn vị này chuyển đổi thành CTCP tăng vốn điều lệ nhưng CMX không mua cổ phần phát hành thêm.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi vì sao CMX lại không tham gia vào đợt tăng vốn công ty con và chấp nhận giảm tỷ lệ phân phối lợi ích, tương ứng ảnh hưởng lớn đến lợi ích của cổ đông công ty mẹ, nhất là đối với CTCP Camimex, đơn vị có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đem về 918,3 tỷ đồng doanh thu và 77,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019. Trong khi đó, đối tác mua cổ phần trong thương vụ chuyển đổi này lại không được công bố.

Theo BCTC của CMX, tính đến cuối quý I/2020, hàng tồn kho tăng từ 610,8 tỷ đồng lên 657,7 tỷ đồng. Giá trị các khoản phải thu cũng tăng lên 476,7 tỷ đồng. Riêng 2 khoản mục này đã chiếm đến 68,5% tổng tài sản. Liệu đây có phải là “mỏ vàng” của doanh nghiệp không khi tôm là mặt hàng dễ hư hỏng, phải bảo quản trong kho lạnh tốn kém chi phí, thời gian tồn trữ có hạn và doanh nghiệp thường chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho rất lớn?

Tại cuộc trao đổi với giới phân tích, đầu tư mới đây về doanh nghiệp khác trong ngành chế biến thủy sàn là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), nội dung về khoản mục hàng tồn kho thủy sản được quan tâm hàng đầu và gây quan ngại cho phần lớn nhà đầu tư, ngay cả đối với cá đang nuôi bị quá trọng lượng. Mặc dù lãnh đạo VHC cho biết, năm 2019, Công ty đã giải phóng hầu hết hàng tồn kho và quý I cũng không bị ứ hàng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/4, cổ phiếu CMX đã tăng trần đạt 11.650 đồng, khối lượng khớp lệnh 78.000 đơn vị.

Tin bài liên quan