Đã không ít lần, UBCK đề cập đến vấn đề sớm triển khai nghiệp vụ giao dịch ký quỹ trên TTCK. Nhưng để làm được điều này thì điều kiện cần là CTCK phải được phép "gia nhập" đội ngũ tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Cơ quan quản lý nói đã lâu, nhưng thị trường vẫn chưa thấy động thái nào cho việc này. Chờ mãi không thấy quy định, các CTCK “đành” thực hiện trước, nhằm đạt mục tiêu lôi kéo khách hàng. Việc cho khách hàng giao dịch đòn bẩy mạnh tay (thậm chí lên tới 600% vốn thực có) đã giúp thanh khoản thị trường tăng nhanh và cũng không ít CTCK tăng được thứ hạng trong bảng xếp hạng thị phần môi giới. Nhưng việc này cũng khiến một vài CTCK âm thầm chịu tình trạng kiếm củi cả năm đốt một tháng, khi cuối năm 2009, việc quản lý rủi ro không tốt dẫn tới thua lỗ nặng nề do thiệt hại liên đới từ việc thua lỗ của khách hàng. Dòng vốn, bằng cách này hay cách khác sẽ tìm đến nơi sinh lời cao hơn, nên khi chứng khoán đang "sốt" thì việc tiền từ ngân hàng, DN, dân cư và từ chính các CTCK đổ vào cũng là điều dễ hiểu. Không ai hiện tại có thể kiểm soát được dòng tiền "nóng" trên TTCK là bao nhiêu, khi CTCK không công khai, không báo cáo, còn ngân hàng không trực tiếp ký cho vay NĐT…
Ngay nghiệp vụ cho bán chứng khoán ngày T+, dù cơ quan quản lý không cho phép, nhưng việc cho khách hàng bán trước đã trở thành "lợi thế cạnh tranh" của một số CTCK. Chỉ bắt đầu từ ngày 22/4 đến nay, cơ quan quản lý mới mang lại "sự công bằng tương đối" với các NĐT, sau khi Trung tâm Lưu ký thử nghiệm áp dụng giám sát lưu ký tận chân tài khoản NĐT. Dù vậy, không ai đảm bảo chắc chắn rằng, sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, CTCK không tìm cách cho khách hàng của mình "lách luật" theo một phương thức mới. Chợt so sánh với TTCK nước ngoài, bán khống được cho phép áp dụng khá thoải mái, nhưng mỗi khi có yếu tố mới (như cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu hiện tại), cơ quan quản lý có thể dễ dàng hơn trong việc sử dụng chính công cụ này làm tín hiệu ra thị trường. TTCK Đức và nhiều TTCK lớn khác đã sụt giảm ngay sau quyết định cấm bán khống với 10 mã cổ phiếu, trái phiếu chính phủ (khoản nợ quốc gia của các nước sử dụng EUR) và hợp đồng hoán đổi tín dụng (một dạng bảo hiểm tài chính) dựa trên trái phiếu chính phủ…
Cũng giống như bất kỳ hoạt động thương mại nào khác, khi cầu xuất hiện thì ắt sẽ có cung. Sự hoàn thiện văn bản quản lý chính là việc nắm bắt thực tế và điều chính cho phù hợp, chứ không phải khi chưa thể theo kịp thì… cấm để đẩy các hoạt động này vào hình thức "bí mật", không thể kiểm soát. Cho phép triển khai để dễ dàng quản lý, kiểm soát và điều tiết hay để thị trường hoạt động chui, với nhiều rủi ro… có lẽ là điều mà cơ quan quản lý đã ý thức được từ lâu. Nhưng tại sao và bao giờ…?