CTCK không được chuyển tiền nội bộ cho nhà đầu tư
Theo hướng dẫn của UBCK, CTCK không được nhận ủy quyền của khách hàng để thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của khách hàng, mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại (do CTCK lựa chọn).
Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư chuyển tiền sang tài khoản của nhà đầu tư khác cũng tại CTCK phụ thuộc vào nội dung quy định tại hợp đồng được lập giữa 3 bên là nhà đầu tư, CTCK và ngân hàng. Việc chuyển tiền giữa các tài khoản khác nhau theo yêu cầu của nhà đầu tư phải do ngân hàng thực hiện theo thỏa thuận tại nội dung hợp đồng 3 bên.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCK) cho biết, quy định như vậy là nhằm giảm thiểu tình trạng CTCK lạm dụng tài khoản nhà đầu tư. Cũng theo ông Sơn, trước đây, quy định pháp lý buộc CTCK phải tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư khỏi tài khoản tiền gửi của CTCK cũng nhằm bảo vệ quyền và nghĩa vụ đối với nhà đầu tư.
Ở góc độ nhà đầu tư, họ tiếp nhận Thông tư 203 với 2 quan điểm khác biệt. Đối với nhà đầu tư “khó tính”, họ cho rằng, quy định mới rất hợp lý và tránh tình trạng các môi giới lạm dụng tài sản của nhà đầu tư, đảm bảo tiền của nhà đầu tư sẽ không bị thất thoát. Đối với nhà đầu tư “dễ tính”, họ luôn mong muốn mọi thao tác diễn ra dễ dàng, đỡ phải làm nhiều thủ tục, cảm nhận về quy định mới là… làm họ mất thêm thời gian.
Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI) chia sẻ, quy định mới cơ bản thực hiện chủ trương CTCK không thực hiện chức năng thanh toán, nhưng so với trước đây thì có gây sự bất tiện cho khách hàng về thời gian chờ đợi và chi phí giao dịch.
Ông Huy cho biết, hiện nay các CTCK triển khai Thông tư 203 theo 1 trong 2 hướng. Thứ nhất, dừng dịch vụ chuyển tiền giữa 2 tài khoản chứng khoán. Khách hàng A muốn chuyển tiền cho khách hàng B, thì A sẽ chuyển sang tài khoản ngân hàng của A và sau đó, A vào tài khoản ngân hàng để thực hiện chuyển tiền sang tài khoản chứng khoán của B.
Phương án này, theo ông Huy, có điểm bất lợi như thời gian chuyển tiền lâu hơn, khách hàng sẽ mất phí chuyển tiền: lần 1 từ CTCK sang ngân hàng và lần 2 từ ngân hàng sang CTCK…
Ngoài ra, hạn mức chuyển tiền online của ngân hàng thấp hơn hạn mức chuyển tiền của CTCK, thường khoảng 500 triệu đồng/ngày, trong khi CTCK dao động từ 1-5 tỷ đồng/ngày, cũng có thể sẽ hạn chế tốc độ dòng chảy vốn từ nhà đầu tư lớn vào thị trường. Thêm nữa, nếu xảy ra lỗi tác nghiệp do sai sót, sẽ phát sinh thời gian làm tra soát, mất cơ hội đầu tư của khách hàng.
Ở hướng thứ hai, khách hàng A chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán sang khách hàng B, thì CTCK có thể hướng dẫn khách hàng chuyển vào tài khoản tiền tổng của CTCK và phần diễn giải khi nội dung là chuyển đích danh đến tài khoản chứng khoán khách hàng B. Sau đó, bộ phận giao dịch của CTCK sẽ hạch toán thủ công vào tài khoản chứng khoán của khách hàng B.
Với cách thực hiện này, ông Huy cho biết, sẽ tiện hơn cho khách hàng và khách hàng chỉ mất phí 1 lần. Tuy nhiên, tiền cũng không đến ngay tài khoản chứng khoán đích vì phải đợi CTCK hạch toán thủ công. Ngoài ra, cũng có xác xuất xảy ra lỗi tác nghiệp.
Cấm sửa lệnh LO, lệnh ATC để chặn khả năng làm giá
Về lệnh đặt trong phiên giao dịch, Điều 7 Khoản 4 Thông tư 203 hướng dẫn giao dịch trên TTCK quy định: “Nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại phiên giao dịch liên tục trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực”.
Như vậy, nhà đầu tư có quyền đặt lệnh giao dịch vừa mua vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh liên tục, khi có đầy đủ tiền/chứng khoán để thực hiện giao dịch theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp nhà đầu tư đã đặt lệnh mua hoặc bán tại phiên giao dịch liên tục trước đó, nhưng chưa được khớp và lệnh vẫn còn hiệu lực thì khi chuyển sang phiên khớp lệnh định kỳ, nhà đầu tư có thể đặt tiếp lệnh bán hoặc mua chứng khoán cùng loại.
Ông Trần Vũ Thạch, Giám đốc Khối Giao dịch, CTCK VNDirect (VNDS) cho biết, Công ty đã có những thay đổi đáp ứng điều kiện này. Tuy nhiên, theo ông Thạch, việc cho phép đặt lệnh ngược chiều thực ra không có ý nghĩa lớn với nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà chủ yếu tác động tới các nhà đầu tư năng động, nhà tạo lập thị trường.
Trên thực tế, có nhiều nhà đầu tư nhầm lẫn với việc cho phép giao dịch bán cổ phiếu chờ về và giao dịch trong ngày quy định tại Thông tư 203. Theo VNDS, việc thay đổi cho phép giao dịch ngược chiều và việc thay đổi bước giá giao dịch sắp tới của 2 Sở GDCK là bước đệm quan trọng để tiến tới việc cho phép giao dịch trong ngày (day-trade).
“Chúng tôi tin rằng, việc đó sẽ giúp cải thiện thanh khoản và nhà đầu tư có nhiều cơ hội giao dịch ăn chênh giá tốt hơn”, ông Thạch nói.
Liên quan đến quy định các CTCK không được sửa, hủy lệnh LO, lệnh ATC, bao gồm cả lệnh LO vẫn còn hiệu lực, chuyển từ phiên khớp lệnh liên tục sang phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa, nhiều CTCK cho rằng, quy định này quá chặt và bất cập. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn, trước khi đưa ra hướng dẫn, UBCK đã làm việc và thống nhất với 2 Sở GDCK rằng, điều kiện cấm sửa lệnh cũng là một trong nhiều yếu tố ngăn chặn được tình trạng “làm giá”.