Nhiều ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến bất động sản đều dành phần lớn dung lượng đề nói về Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Tiêu điểm chính của 2 sắc luật chính là nội dung mở cửa cho đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Đa số đều phản ánh cái nhìn lạc quan và kỳ vọng của các thành viên thị trường, rằng quy định mới này sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, vẫn còn một số quy định gây khó hiểu và nếu không có hướng dẫn cụ thể, sẽ rất khó áp dụng trong thực tiễn. Một trong những điều mà nhiều người thắc mắc nhất là người nước ngoài có được đầu tư, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam hay không, hay chỉ được mua, sở hữu nhà ở?
Tại một hội thảo quốc tế mới đây, một đại biểu người Nhật Bản đã nêu câu hỏi: ”Người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, nhưng khi không dùng nữa thì được quyền gì? Làm thế nào phân biệt được giữa trường hợp mua rồi không dùng nữa với trường hợp mua để bán lại kiếm lời?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, khi người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam mà không có nhu cầu sử dụng nữa, thì được quyền cho thuê hoặc bán lại. Tuy nhiên, khi muốn hoạt động kinh doanh kiếm lời, thì theo quy định, tổ chức, cá nhân đó phải thành lập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này cũng chỉ được hoạt động kinh doanh dưới hình thức đầu tư dự án để bán, cho thuê, cho thuê mua…
Nói tóm lại, các đối tượng có yếu tố nước ngoài muốn kiếm lời từ thị trường bất động sản Việt Nam, ngoài việc cho thuê, thì phải bỏ vốn vào đầu tư, chứ không có chuyện mua đi, bán lại theo kiểu “lướt sóng” như nhà đầu tư trong nước.
Không chỉ người viết, mà nhiều đại biểu tại cuộc hội thảo trên cũng thắc mắc, làm thế nào để phân biệt trường hợp người nước ngoài cố tình mua đi bán lại bất động sản kiếm lời, trường hợp nào người nước ngoài mua nhưng không có nhu cầu sử dụng nữa, nên chuyển nhượng lại?
Ông Phấn trả lời thắc mắc này bằng việc nêu khoản 2, Điều 10 của Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Quốc hội đã giao “Chính phủ quy định chi tiết việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phải thành lập doanh nghiệp”. Theo vị đại diện Bộ Xây dựng, quy định này sẽ phân định những giao dịch không thường xuyên với giao dịch thường xuyên của từng đối tượng.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của đại diện Bộ Xây dựng, người viết đem thắc mắc này hỏi GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, người có nhiều kinh nghiệm về thị trường địa ốc và cũng là người quan điểm ủng hộ mạnh mẽ việc mở cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Ông cho rằng, thật khó để phân định tổ chức hay cá nhân nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản ở Việt Nam, nhưng vẫn mua đi bán lại để kiếm lời.
“Luật đã cho phép người nước ngoài được mua không quá 30% một tòa nhà, hay 250 căn trong một phường, xã và khi không dùng nữa thì được quyền cho thuê hoặc bán lại. Vậy căn cứ nào để nói rằng, họ mua rồi lại bán là phạm luật?”, ông Võ đặt câu hỏi.
Không biết, Bộ Xây dựng, đơn vị tham mưu cho Chính phủ sẽ soạn thảo văn bản hướng dẫn để quản việc người nước ngoài “lướt sóng” trên thị trường bất động sản Việt Nam như thế nào, nhưng xem ra, đây là việc không đơn giản. Nếu không chặt chẽ, các quy định này rất dễ bị các đối tượng lách luật, còn nếu theo hướng quá chặt, thì xem ra câu chuyện mở cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam không quá tích cực cho thị trường như nhiều người kỳ vọng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |