Mời NĐT làm cộng tác viên thu hút NĐT khác mở tài khoản vốn là hoạt động rất phổ biến tại CTCK

Mời NĐT làm cộng tác viên thu hút NĐT khác mở tài khoản vốn là hoạt động rất phổ biến tại CTCK

Cấm cửa cộng tác viên môi giới, nên không?

(ĐTCK) Mời NĐT làm cộng tác viên thu hút NĐT khác đến mở tài khoản tại công ty mình, nhận tiền gửi của khách hàng dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư hay đầu tư tiền gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất qua đêm là những hoạt động khá phổ biến của các công ty chứng khoán (CTCK).

Tuy nhiên, những hoạt động này có thể sẽ bị cấm nếu Thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK được ban hành, với nội dung như dự thảo mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đăng trên trang web để lấy ý kiến góp ý.

Điểm khiến khá nhiều CTCK băn khoăn là Khoản 10, Điều 45,  dự thảo quy định: “CTCK không được thuê ngoài dịch vụ tìm kiếm khách hàng, thuê hoặc sử dụng dưới mọi hình thức các cá nhân không phải là nhân viên của công ty để thực hiện các công việc có liên quan tới nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty, đặc biệt là nghiệp vụ môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán”.

Thực tế hiện nay, đội ngũ môi giới ở nhiều công ty được tổ chức theo mô hình đội nhóm, đứng đầu là các trưởng nhóm, hay trưởng phòng. Mỗi nhân viên môi giới lại được quyền tổ chức đội ngũ cộng tác viên cho mình bằng việc mời các cá nhân khác giới thiệu NĐT đến mở tài khoản tại công ty. Khi có giao dịch phát sinh, người giới thiệu sẽ được hưởng hoa hồng trích từ phí giao dịch mà CTCK thu được của khách hàng. Theo tìm hiểu của ĐTCK, mức phí giao dịch mà CTCK thu về tối thiểu ở mức 0,15% giá trị giao dịch. Mức phí cao hơn tỷ lệ này, các nhân viên môi giới hưởng và chi lại cho các cộng tác viên của mình nếu có.

Hoạt động này sẽ bị cấm theo như dự thảo sửa đổi Thông tư 210. Nhìn rộng hơn, có ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này, bởi nó có thể trái với chính sách của Nhà nước. Luật Lao động 2012 quy định về việc tạo công ăn việc làm, phát triển và đa dạng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi với hoạt động tạo ra việc làm cũng như bảo đảm quyền lợi và lợi ích chính đáng của người lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động.

Một điểm khác cũng gây băn khoăn cho khối CTCK là khoản 4, Điều 42, dự thảo sửa đổi Thông tư 210: “Ngoại trừ các hình thức huy động vốn quy định tại khoản 3 Điều này, CTCK không được vay, huy động vốn từ các tổ chức khác, cá nhân khác dưới mọi hình thức, kể cả các hợp đồng hợp tác ba bên, hợp đồng giao vốn hoặc các hợp đồng kinh tế có bản chất vay, cho vay theo quy định tại khoản 8, Điều 2, thông tư này. Ngoại trừ việc sử dụng để thanh toán giao dịch, CTCK không được sử dụng vốn của đối tác, của khách hàng trong các hợp đồng đặt cọc với bất cứ mục đích nào khác”.

Vào thời điểm lãi suất tăng cao, nhiều CTCK đã huy động vốn của khách hàng bằng các sản phẩm hợp tác đầu tư với cam kết tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu ở mức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng từ 3 - 4%. Hoặc có công ty tạo ra sản phẩm nhận tiền gửi của khách hàng với lãi suất xấp xỉ lãi suất ngân hàng, sau đó gửi qua đêm tại ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất khi mà CTCK gửi khoản lớn, có thể đàm phán mức lãi suất cao hơn tiền gửi của khách hàng cá nhân. Hoặc khi thị trường có kỳ nghỉ lễ dài, CTCK có thể gửi toàn bộ số dư tiền (trong đó có tiền của khách hàng) vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn lãi suất không kỳ hạn trả cho khách hàng có số dư tiền mặt trong tài khoản chứng khoán. Những khoản thu này ở thời điểm bình thường không đáng kể, nhưng là những nghiệp vụ tài chính áp dụng phổ biến nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho khối CTCK.

Bình luận về quy định trên, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, quy định không được vay, huy động vốn từ các nguồn tổ chức, cá nhân khác có thể vi phạm quyền tự do kinh doanh, quyền tự do thoả thuận của doanh nghiệp mà Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự cho phép. 

Một số quy định khác được đưa vào thông tư này cũng khiến CTCK băn khoăn là không được đầu tư hoặc giao vốn cho công ty mà có thành viên HĐQT, chủ tịch, thành viên ban điều hành của CTCK đồng thời làm chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên. Một số CTCK đặt câu hỏi, nếu thông tư này có hiệu lực thì chủ tịch công ty có phải xin rút lui khỏi chức vụ thành viên HĐQT tại một công ty niêm yết mà CTCK có góp vốn đầu tư?

Như vậy, so với các DN khác, hay các tổ chức đầu tư như quỹ đầu tư, CTCK thiệt thòi hơn khi không thể vừa đầu tư vừa cử người tham gia hoạt động quản trị công ty nhận vốn. Câu hỏi được đặt ra là quy định này sẽ mang lại lợi ích gì CTCK cũng như để ngăn ngừa nguy cơ gì khi mà pháp luật đã có các quy định rất rõ về giao dịch với người có liên quan?

ĐTCK sẽ tiếp tục tìm hiểu quan điểm của nhà quản lý và của các thành viên thị trường để cùng có sự trao đổi, phản biện khi xây dựng khung pháp lý mới cho CTCK.

Tin bài liên quan