“Cạm bẫy” pháp lý với cán bộ ngân hàng
Sẽ bị coi phạm tội theo Điều 179, Bộ luật Hình sự khi ai đó phạm vào một trong ba hành vi định tội, đó là “cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật”, “cho vay vượt quá giới hạn quy định” và “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay”.
Có thể khẳng định, vô cũng hy hữu mới xảy ra trường hợp vi phạm hai hành vi định tội đầu tiên. Đối với hành vi “cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật”, có các quy định rất rõ ràng cụ thể từ Luật Các tổ chức tín dụng như cấm cho vay không có bảo đảm đối với tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại ngân hàng, cổ đông lớn... Do vậy, rất khó vi phạm và thực tiễn cho thấy hiếm có vụ án hình sự nào xét xử về hành vi định tội này.
Đối với hành vi “cho vay vượt quá giới hạn quy định” thì càng khó xảy ra hơn nữa. Bởi chỉ có khoảng 7 giới hạn tín dụng rất cụ thể như cho vay không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng với một khách hàng, không vượt quá 25% vốn tự có đối với một nhóm khách hàng…
Khi cho vay cũng như giải ngân, ngân hàng có một hệ thống tỷ lệ giới hạn theo dõi, cảnh báo, thẩm định nội bộ, rồi có cả một cơ chế thanh tra, giám sát từ phía Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, đơn vị cho vay nếu có chót giải ngân vượt tỷ lệ, thì lập tức hệ thống tự động cảnh báo và đơn vị có thể thu hồi bớt dư nợ để bảo đảm ngay tỷ lệ.
Cạm bẫy pháp lý gây rủi ro nằm ở chính hành vi thứ ba - “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay”. Một trong những nguyên tắc căn bản được các Bộ luật Hình sự qua từng thời kỳ đều ghi nhận là “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Tội phạm là những hành vi có thuộc tính nguy hiểm cho xã hội. Vậy hành vi nào, nguy hiểm đến mức nào sẽ bị coi là “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay”? Hiểu theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự, đó phải là hành vi cụ thể bị một văn bản pháp quy cụ thể về cho vay chỉ dẫn rằng nếu phạm phải sẽ bị xử tội theo Điều 179 của Bộ luật Hình sự. Vấn đề nằm ở chỗ, trong hệ thống pháp quy về cho vay chưa từng có một quy định nội dung tương tự.
Vậy nên, hầu hết các vụ án hình sự về vi phạm cho vay, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án thường duy trì một cách hiểu khác. Nhiều bản án cho rằng, các quy định nghiệp vụ về cho vay của ngân hàng thương mại thể hiện sự tuân thủ Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước.
Từ đó, nếu cán bộ ngân hàng sai phạm quy định nội bộ cũng bị coi vi phạm Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, đồng nghĩa phạm vào “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay”.
Thực tế, nghiệp vụ cho vay của ngân hàng có sự tham gia của nhiều bộ phận, từ bộ phận lập chính sách sản phẩm tín dụng, đến bộ phận thẩm định, quyết định cho vay, rồi bộ phận tái thẩm định, phê duyệt khoản vay và cả những bộ phận hỗ trợ trực tiếp như định giá tài sản, xử lý nợ…
Mỗi bộ phận thực hiện hàng chục hành vi nghiệp vụ. Vậy, một khi Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 còn tồn tại, thì có đến vài trăm “hành vi khác” tiềm tàng bủa vây trách nhiệm cán bộ tín dụng ngân hàng.
… chấm dứt từ 1/1/2018
Cho đến nay, ai đúng, ai sai trong cách hiểu về “hành vi khác” chưa được phân định rõ ràng. Lĩnh vực hình sự là nơi không thể cho phép hiện tượng này tồn tại. Một khi có quan điểm trái chiều trong cách hiểu, vận dụng một điều luật hình sự, thì số phận pháp lý của những con người can án sẽ bị sự bất công đe dọa. Cho nên, mỗi điều luật hình sự cần sự minh định, cụ thể. Đó chính là lý do mà “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay” không xuất hiện trong Bộ luật Hình sự mới.
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực áp dụng và không còn điều luật tội phạm riêng về vi phạm quy định cho vay. Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, một điều luật hình sự chung được ban hành với tên gọi “tội vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Hy vọng sẽ không tồn tại một “cạm bẫy” pháp lý nào trong điều luật mới này.