Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (Dự luật) sẽ được Quốc hội bấm nút trong kỳ họp vào tháng 5 và tháng 6 tới, với rất nhiều kỳ vọng về việc giảm thiểu những tác hại rất rõ rệt của việc lạm dụng rượu, bia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì kiểm soát lạm dụng đồ uống có cồn, thay đổi hành vi người tiêu dùng, hay ngăn chặn những sản phẩm đang nằm ngoài kiểm soát như rượu, bia giả, nhập lậu, kém chất lượng…, Dự luật này lại tập trung nhiều vào hạn chế các hoạt động kinh doanh rượu, bia hợp pháp.
Với những chính sách khuyến khích thương mại điện tử và phát triển kinh tế số trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện nay, phần lớn các loại hàng hóa tại Việt Nam, ngoại trừ các loại hàng hoá bị cấm và hàng hóa đặc thù như dược phẩm, đều đang được kinh doanh trên mạng Internet. Ngay cả thuốc lá điếu cũng là mặt hàng không bị cấm kinh doanh trên Internet.
Thương mại điện tử đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế. Theo báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tổng doanh thu ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 2,26 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm trước, chính thức lọt top 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Đồng thời, tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng bình quân trên 40%, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và được dự đoán sẽ là thị trường lớn thứ hai khu vực vào năm 2025.
Hiện nay, kinh doanh rượu, bia không bị cấm bởi bất kỳ văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia lại “nghiêm cấm” kinh doanh “rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet”. Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa 14, trong phiên thảo luận về Dự luật nhiều đại biểu đã nêu lên quan ngại về quy định cấm này. Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình bày tỏ, nếu sản phẩm kinh doanh không bị cấm thì không có lý do gì để người có giấy phép kinh doanh sản phẩm đó lại bị cấm sử dụng công cụ Internet để thực hiện việc kinh doanh hợp pháp.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Đoàn đại biểu Cần Thơ) cho rằng, quy định không được bán rượu, bia trên mạng Internet là không hợp lý, khó khả thi trong thời đại 4.0, thương mại điện tử phát triển mạnh. Ở một khía cạnh nào đó, việc bán rượu bia trên mạng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm bắt được chất lượng thật của rượu bia, cũng như địa chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm bán ra.
Trước đây, Nghị định 105/2017/ND-CP ngày 14/9/2017 có quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên Internet. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua các loại rượu trên mạng. Những hoạt động kinh doanh này là không hợp pháp, người tiêu dùng mua các sản phẩm rượu trên Internet sẽ không được đảm bảo về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm như khi mua tại các nhà phân phối chính thức.
Thực tế trên khiến không ít người tiêu dùng đã mua phải các sản phẩm rượu giả, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu hoặc có chất lượng kém đang bán tràn lan trên mạng Internet và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Chính vì vậy, theo một đại diện từ Bộ Công thương, Nghị định định này sẽ được xem xét sửa đổi trong thời gian tới và một trong những nội dung sẽ được xem xét lại là quy định cấm bán rượu trên Internet.
Theo TS. Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương), trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc cho phép các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hợp pháp được áp dụng thương mại điện tử sẽ giúp giảm thiểu các sản phẩm nhập lậu, không rõ xuất xứ và chất lượng kém đang được bán tràn lan trên Internet.
Theo số liệu gần đây nhất của Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm rượu, bia trên 15 độ cồn hợp pháp chỉ chiếm chưa đến 3% tổng lượng tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam. Số liệu này không khỏi làm cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đặt câu hỏi: liệu việc hạn chế bán một lượng nhỏ rượu, bia trên Internet có giúp kiểm soát tiêu thụ rượu, bia và làm giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia hay không?
Theo một nghiên cứu của Viện Dân số và các vấn đề xã hội thuộc Trường đại học Kinh tế Quốc dân, những sản phẩm nằm ngoài kiểm soát này có mối liên hệ trực tiếp đến những tác động tiêu cực về sức khỏe và lạm dụng rượu, bia, đặc biệt là tình trạng ngộ độc do sử dụng đồ uống có methanol vượt ngưỡng cho phép và các sản phẩm kém chất lượng. Những sản phẩm này cũng được bán tràn lan, dễ tiếp cận hơn và có mức giá thấp hơn nhiều so với các sản phẩm hợp pháp vì không phải chịu các loại thuế.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề liên quan đến tác hại của lạm dụng rượu, bia, Dự luật nên tập trung vào những biện pháp kiểm soát các loại đồ uống có cồn này, thay vì cấm và ngăn chặn các doanh nghiệp hợp pháp được sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh.