Quyết tâm của Chính phủ đã có, kế hoạch đã có, cơ chế thưởng phạt cũng rõ ràng nhưng quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn còn gặp khó khăn, các đợt IPO chưa thu hút được nhiều NĐT chính bởi lý do kỹ thuật.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm tại buổi hội thảo Gateway to Vietnam 2014 - Tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam do CTCK Sài Gòn (SSI) tổ chức diễn ra sáng nay như vậy.
Cũng theo ông Thành, trước tiên là vấn đề định giá doanh nghiệp Nhà nước, nhất là việc định giá về thương hiệu và đất đai, bởi có trường hợp doanh nghiệp Nhà nước được giao đất, có doanh nghiệp lại phải đi thuê.
Thứ hai, việc tìm đối tác chiến lược, thường xảy tra trường hợp “người mình thích thì không thích mình”.
Thứ ba, vấn đề xã hội là thặng dư lao động, khi một doanh nghiệp Nhà nước lớn cổ phần hóa có thể có hàng nghìn lao động phải tạm dừng việc làm.
Vấn đề thứ tư chính là kế hoạch niêm yết trên sàn.
Ông Thành chia sẻ, con số 432 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa không đáng quan tâm bằng việc cải tổ 100 doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất, đây sẽ là tiến trình cốt lõi của cổ phần hóa.
Cổ phần hóa thành công là hậu IPO, quản trị doanh nghiệp có sự tiến bộ, giá trị gia tăng chứ nếu sau IPO doanh nghiệp Nhà nước vẫn không có gì thay đổi thì không thể gọi là hiệu quả.
Ông Alan Phan, Giám đốc đièu hành Alan Phan Alan Phan Associates (APA) cũng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ CPH thì phải thuê các tổ chức định giá quốc tế để định giá doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp nâng cao minh bạch hóa thông tin, cả nhà đầu tư quốc tế và nhà đầu tư trong nước có nhiều thông tin hơn từ đó “an tâm” vào DN hơn. Nếu làm được như vậy, IPO một doanh nghiệp Nhà nước lớn cỡ như Vietnam Airlines cũng chỉ mất khoảng 6 tháng.
Tính đến đến 10/9/2014, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã phê duyệt chuyển thành công ty cổ phần là 65 doanh nghiệp trong đó có 1 Tập đoàn là Tập đoàn dệt may và 1 Tổng Công ty 91 là Vietnam Airlines.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Trọng Dũng – Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày hôm qua, Vietnam Airlines vừa được phê duyệt kế hoạch IPO với vốn điều lệ 14 ngàn tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 75%, bán cho cổ đông chiến lược 20% và bán cho cổ đông khác 5%.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau IPO nếu doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết thì phải niêm yết ngay và trong điều kiện cho phép, Nhà nước sẽ dần giảm tỷ lệ sở hữu của mình xuống còn 65%.
Việc gắn cổ phần hóa với niêm yết trên Thị trường chứng khoán, theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán là điều cần thiết.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu sẽ phải niêm yết 1 năm sau dó. Ngay từ khi xây dựng phương án cổ phần hóa thì doanh nghiệp đã phải lên phương án niêm yết trên TTCK.
Hiên Ủy ban đang trình Chính phủ nội dung: sau đấu giá lần đầu 60 ngày, các doanh nghiệp phải đưa giao dịch cổ phiếu lên thị trường có tổ chức là UpCom hoặc niêm yết trên hai sở HOSE và HNX.
Nếu được thông qua, thì ngay sau IPO, các giao dịch mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư đã có thể thực hiện, nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy cổ phần hóa thành công.
Ông Bằng cho rằng, dưới góc độ thị trường thì sự hồi phục của thị trường có ảnh hưởng nhất định đến quá trình cổ phần hóa. Cụ thể, trong 8 tháng vừa qua, chỉ số chứng khoán tăng 24%, vốn hóa thị trường tăng 40%, số lượng giao dịch tăng 80% so với cả năm 2013. Dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng 2,5 lần so với cùng kỳ và huy động vốn qua IPO tăng 40% so với năm 2013. Các chương trình tái cơ cấu và chương trình phân loại doanh nghiệp để nới room sẽ tiếp tục thúc đẩy Thị trường chứng khoán, qua đó thúc đẩy cổ phần mạnh mẽ hơn.