Chia sẻ với các nhà báo, lãnh đạo HNX cho biết, tại các TTCK phát triển, tính minh bạch luôn song hành với thanh khoản, nhưng TTCK Việt Nam chưa đạt tới trình độ đó.

Chia sẻ với các nhà báo, lãnh đạo HNX cho biết, tại các TTCK phát triển, tính minh bạch luôn song hành với thanh khoản, nhưng TTCK Việt Nam chưa đạt tới trình độ đó.

Cải tiến UPCoM, thúc đẩy cổ phần hóa

(ĐTCK) Tại buổi họp báo chuyên đề tháng 9 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hôm qua, 15/9/2016, bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách HNX khẳng định, HNX đang nỗ lực cải tiến cơ chế hoạt động của sàn UPCoM để phục vụ tối đa cho hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Lãnh đạo HNX cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng cổ phiếu và thanh khoản của sàn UPCoM đã có cải thiện rõ rệt. 74 DN mới gia nhập UPCoM trong năm 2016, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 124 tỷ đồng/phiên, gấp 2,15 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ, UPCoM cũng đã để lại sự cố đáng tiếc trong hơn 8 tháng đầu năm, trong đó phải kể đến vụ việc cổ phiếu MTM.

Liên quan đến việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với UPCoM sau vụ việc MTM, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, HNX nhận thức đây là một bài học. Việc đưa cổ phiếu lên UPCoM là đúng quy trình, quy chế, tuy nhiên kết quả lại dẫn tới những ấn tượng không tốt đẹp trên thị trường. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, nên HNX chưa thể công bố thông tin gì thêm. Trong vụ việc này, HNX cũng gặp phải những điểm vướng nhất định.

Cụ thể, UPCoM là sàn giao dịch dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết, nên mọi công ty đại chúng đều có quyền đăng ký giao dịch và HNX sau khi xem xét các tài liệu đúng theo quy định pháp luật thì không thể từ chối quyền đó. HNX chỉ có thể thực hiện thúc đẩy doanh nghiệp minh bạch một cách tối đa.

Một vấn đề được đặt ra là hiện một số DN hoạt động quá èo uột, thậm chí không còn hoạt động, nhưng cổ phiếu vẫn xuất hiện trên sàn UPCoM, ông Trung giải thích, đây là câu chuyện của cơ chế. Với cơ chế, DN đại chúng có quyền đăng ký trên UPCoM, thì DN chưa giải thể hoặc vẫn là công ty đại chúng thì không thể hủy đăng ký giao dịch với cổ phiếu của DN đó.

“Với cơ chế này, HNX dự kiến, danh sách bảng cảnh báo nhà đầu tư trên UPCoM sẽ tiếp tục được nối dài”, ông Trung chia sẻ.

Về câu chuyện nhà đầu tư cho rằng việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu (đối với doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch) gây thiệt hại cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đó, quan điểm của nhà quản lý là nếu cho phép giao dịch trở lại, rủi ro sẽ được chuyển từ nhà đầu tư hiện tại sang cho lớp nhà đầu tư mới. Trong trường hợp này, nhà quản lý đều không thể giải cứu cho bên nào, mà việc cần làm là giám sát và thúc đẩy minh bạch tối đa thông tin DN cho các thành viên thị trường nắm được.

Cũng theo ông Trung, giải pháp tiếp theo được thực hiện trên UPCoM là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. “Nhiều nhà đầu tư vẫn đang nghĩ rằng UPCoM là thị trường được Nhà nước đảm bảo, trong khi thực tế ngay cả sàn niêm yết cũng không được đảm bảo. Nếu để ý kỹ, trong bản cáo bạch của mỗi DN niêm yết đều thấy rõ phần tuyên bố rằng việc Sở GDCK cấp đăng ký niêm yết chứng khoán chỉ có nghĩa là việc niêm yết chứng khoán đã thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan, mà không hàm ý đảm bảo về chất lượng DN, giá trị của chứng khoán. Đây là thông lệ quốc tế, chứ không chỉ tại Việt Nam”, ông Trung giải thích.

Mặc dù vậy, ông Trung không phủ nhận trách nhiệm của HNX trong việc để lọt những cổ phiếu “dỏm” lên sàn. Theo ông Trung, sau vụ việc MTM, HNX đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp siết chặt công tác phê duyệt doanh nghiệp lên sàn, đơn giản như việc xác minh trụ sở, địa chỉ, số điện thoại công ty, mã số thuế…

Theo ông Trung, UBCK và HNX luôn mong muốn xây dựng một thị trường mà ở đó cơ hội tiếp cận kênh huy động vốn chỉ dành cho các DN xứng đáng. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện lâu dài. Sắp tới, một số ý tưởng có thể được thực hiện như việc áp dụng mô hình nhà tạo lập thị trường hoặc cơ chế bảo trợ thông tin. Với cơ chế bảo trợ thông tin, mặc dù pháp luật không bắt buộc, nhưng DN nào có nhu cầu vẫn có thể kết hợp với công ty chứng khoán để nâng cao vị thế của mình.

“Tại các thị trường phát triển, tính minh bạch luôn song hành với thanh khoản thị trường, tức là thị trường càng minh bạch thì thanh khoản càng cao. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đạt tới trình độ đó. Vì vậy, chúng tôi phải cẩn trọng trong công tác quản lý, giám sát DN trên sàn trên cơ sở cân đối với hiện trạng thị trường và các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn”, ông Trung nói.  

Tin bài liên quan