Cải thiện quản trị để thêm các công cụ bảo vệ nhà đầu tư

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho biết, hàng loạt kiến nghị tiếp tục được Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật với tinh thần đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao quản trị doanh nghiệp cũng như  thêm các công cụ bảo vệ nhà đầu tư.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương.

Một trong những ưu tiên của lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là nâng tầm quản trị doanh nghiệp Việt Nam, tại sao lại chọn khía cạnh này thưa ông?

Quản trị DN tốt là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của DN. Do đó, lần sửa đổi này của Luật Doanh nghiệp đặc biệt hướng đến nâng tầm quản trị DN.

Đã đến lúc, các DN Việt Nam phải thực hiện những tiêu chuẩn quản trị theo đúng thông lệ quốc tế bởi quá trình hội nhập đã rất sâu rộng.

Đây là con đường để DN Việt Nam có thể lớn lên và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Khi DN có môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, quản trị DN tốt, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được bảo vệ thì nhà đầu tư sẽ tăng niềm tin đầu tư vào DN bởi họ cảm nhận sự an toàn, có lợi thậm chí còn hơn gửi tiền vào ngân hàng, qua đó sẽ huy động được nhiều nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.

Luật hóa liệu có mang tới hiệu quả được không khi trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp?

Vụ tranh chấp quyền quản trị tại Công ty Cà phê Trung Nguyên gần đây là ví dụ nổi cộm cho sự thiếu hụt khuôn khổ nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp theo thông lệ tốt dẫn tới đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, làm DN ảnh hưởng nặng nề.

Hay như khá nhiều trường hợp công ty cổ phần trong gia đình có chồng là Chủ tịch HĐQT, vợ là Tổng giám đốc, ngay khi HĐQT bãi nhiệm Tổng giám đốc thì xảy ra kiện cáo. Có thể thấy, bản chất là tranh chấp trong gia đình nhưng ảnh hưởng đến kinh doanh.

Phải tách bạch giữa sở hữu và điều hành DN, nói đúng hơn là phải tách bạch quyền sở hữu của cổ đông lớn và quyền quản trị kinh doanh, và đây cũng là mục tiêu chính mà Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhắm tới.

Ngoài ra, lần sửa đổi Luật DN này có điểm rất đáng chú ý liên quan đến thay đổi con dấu, giúp chấm dứt tình trạng tranh chấp con dấu ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Như tại Hải Phòng vừa qua, có DN tranh chấp nội bộ tới 2 năm không giải quyết được không phải vì mất con dấu mà do một nhóm cổ đông chiếm con dấu của DN.

Với việc đề nghị bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, trao quyền cho DN, những tranh chấp kiểu này có thể được giải quyết, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến DN.

Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ hướng tới những vấn đề rất cơ bản, chứ không phải những nội dung quản trị “cao siêu”?

Đúng là như vậy, đây là các vấn đề nổi cộm trong hoạt động doanh nghiệp hiện nay. Chẳng hạn, quản trị doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn với loại hình công ty TNHH, chẳng hạn như không bắt buộc thành lập ban kiểm soát, có thể thuê ngoài kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm soát (trừ DN có phần vốn nhà nước).

Đối với công ty cổ phần, về cơ cấu tổ chức quản lý sẽ bổ sung thêm điều kiện để đảm bảo kiểm soát viên tương đương như thành viên độc lập HĐQT.

Cũng liên quan đến công ty cổ phần, nội dung điều chỉnh quan trọng giúp cải thiện quản trị doanh nghiệp là tiếp tục bổ sung thêm các công cụ để bảo vệ cổ đông, tăng trách nhiệm của người quản lý, đảm bảo tỷ lệ sở hữu và kiểm soát công ty cũng như tăng minh bạch hóa thông tin, công khai hóa các giao dịch có liên quan.

Câu hỏi đặt ra vẫn còn nguyên tính thời sự là vì sao tỷ phú Thái bỏ hơn 5 tỷ USD nhưng không bắt tay tái cơ cấu được Sabeco.

Điều này liên quan đến quy định cổ đông phải sở hữu số lượng cổ phần bao nhiêu phần trăm và ít nhất trong vòng 6 tháng thì mới có quyền tái cơ cấu DN, có những bất cập trên thực tế cần phải điều chỉnh trong Luật để khắc phục.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi nhằm hướng tới bảo vệ quyền của nhà đầu tư trong sửa đổi Luật lần này khi mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty, các quyền và lợi ích khác của cổ đông trong quan hệ với HĐQT và ban lãnh đạo Công ty.

Quay lại nội dung về sự tác động, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Luật nếu được ban hành tới hoạt động DN?

Chắc chắn với sự tuân thủ tốt trong việc cải thiện khung khổ quản trị doanh nghiệp cũng như tháo gỡ rào cản vướng mắc sẽ giúp giảm tối đa chi phí kinh doanh; nâng cao mức độ an toàn và bảo vệ lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư.

Tác động sẽ là rất lớn nếu DN tích cực, chủ động thực hiện Luật tốt hơn, bởi tinh thần của Luật DN là khuyến khích thực thi theo thông lệ tốt hơn quy định trong luật.

Luật DN chỉ đưa ra những điều mang tính cơ bản DN nên làm, phải làm, không được làm. Luật sẽ giúp hình thành nhận thức mới cho chính người quản trị DN để những người quản trị DN tự ý thức được lợi ích khi trao thêm quyền của cổ đông cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích cho các cổ đông trong doanh nghiệp.

Tin bài liên quan