Cải thiện quản trị để giải phóng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước

Cải thiện quản trị để giải phóng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Trên nền tảng sẵn có, cũng như sở hữu nguồn lực và năng lực sản xuất lớn, 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) đã có một năm 2019 tương đối thành công. Câu hỏi đặt ra là, cần làm gì để khối tài sản lớn này phát huy hiệu quả một cách tối ưu nhất?

Chậm quyết đáp nhiều vấn đề của doanh nghiệp

Số liệu tổng kết về hoạt động sản xuất - kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sau 1 năm chuyển giao vốn về SMSC cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động ổn định, ít có sự xáo trộn lớn.

Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.478.949 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018.

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm. Tổng nộp ngân sách hợp nhất đạt 221.108,68 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018.

Chủ tịch SMSC Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: “Thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được đề ra từ nhiều năm, nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đây là một mô hình mới, chưa từng có trong thực tiễn ở Việt Nam và cũng không có hình mẫu thống nhất trên thế giới”.

Có lẽ bởi vậy mà vấn đề lớn nhất hiện nay là sự phối hợp giữa Ủy ban, cơ quan đảm nhận chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước và các bộ, ngành quản lý nhà nước trong lĩnh vực mà các tập đoàn, tổng công ty hoạt động.

Theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, một số vấn đề lớn của Tập đoàn có liên quan đến nhiều bộ, ngành, do đó, cần có ý kiến của các bộ, ngành, vì vậy, điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc của Ủy ban đối với tập đoàn, tổng công ty Ủy ban quản lý.

“Nếu kéo dài tình trạng này, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí rủi ro trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư, tái cơ cấu tài chính cần được giải quyết kịp thời thì mới có hiệu quả…

Tập đoàn mong muốn các bộ, ngành sẽ tăng cường phối hợp với Ủy ban để giải quyết những vấn đề lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển”, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV chia sẻ. 

Tương tự, ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, sau cổ phần hóa, Thủ tướng đã chỉ đạo VRG phải làm ngay Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn sau cổ phần hóa và đề án này Tập đoàn đã trình SMSC và Ủy ban trình Chính phủ xin ý kiến các bộ, ngành.

Tập đoàn mong muốn đề án này sớm được phê duyệt, để Tập đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghị tổng kết 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của SMSC chiều 16/1/2020, dù Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích và yêu cầu các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nêu thẳng vào những khó khăn, vướng mắc nảy sinh kể từ khi ủy ban này tiếp nhận quản lý vốn nhà nước.

Tuy nhiên, có lẽ do đây là vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là sự chồng chéo, khúc mắc giữa SMSC và các cơ quan quản lý ngành trong xem xét, phê duyệt các đề xuất của doanh nghiệp, nên các kiến nghị mới dừng ở mức nêu ra chung chung.

Đề cập đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu của cải cách doanh nghiệp nhà nước là làm cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, vấn đề của doanh nghiệp nhà nước nằm ở quản trị nhiều hơn là sở hữu, bởi vậy, cần tập trung nhanh chóng đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Việc này sẽ giúp giải phóng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, từ đó sẽ tạo ra sự tăng trưởng rất lớn cho đất nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng 10% thì sẽ tạo ra thêm 3% tăng trưởng GDP cho đất nước.

Đối với cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, hiện nay, có 3 cấp quản lý doanh nghiệp nhà nước là hội đồng thành viên, Chính phủ và SMSC.

Tuy nhiên, Chính phủ và Ủy ban nên là một cấp quản lý, Ủy ban giúp Chính phủ quản lý và giám sát chiến lược của doanh nghiệp, còn cơ bản các quản lý khác nên giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật nếu sai doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật là chính, không nên để các cấp liên đới nhiều.

Về giám sát, quản trị doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, cần số hóa các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là một giải pháp rất hiệu quả để công khai, minh bạch, cũng như để đánh giá, phân tích dự báo sớm, giám sát, kiểm tra, cảnh báo đối với doanh nghiệp.

Khơi thông dòng chảy để tăng cường hiệu quả 

Nói về năm 2020,  Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết, SMSC sẽ tập trung vào một số đầu việc quan trọng.

Theo đó, Ủy ban sẽ sớm giao kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty, sát sao hơn nữa trong thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hoạt động doanh nghiệp, tập trung thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như điện, than, dầu khí…

Giải pháp tăng quyền chủ động và chịu trách nhiệm trong điều hành doanh nghiệp của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc… sẽ được thực thi.

Ủy ban sẽ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh và tái cơ cấu; quyết liệt thực hiện Đề án Tái cơ cấu và kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đúng nội dung, kế hoạch và tiến độ, công khai, minh bạch và quy định của pháp luật.

Trong đó, tập trung vào tái cơ cấu một cách toàn diện các tập đoàn, tổng công ty về ngành nghề kinh doanh, cơ cấu doanh nghiệp thành viên, tài chính, quản trị, công nghệ, tổ chức, nguồn nhân lực, cơ cấu sản phẩm, ngành nghề kinh doanh, chiến lược phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc và hạn chế để thúc đẩy quá trình triển khai các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban.

Đồng thời, cơ quan này sẽ nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương, đề xuất các giải pháp thực tế, xử lý có hiệu quả các dự án.

Tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp để chỉ đạo xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn có những cơ chế, chính sách chồng chéo, chưa rõ ràng, khiến việc triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh và các nhiệm vụ khác của Ủy ban gặp khó khăn.

Trong đó, theo Thủ tướng, việc chậm trễ, vướng mắc có nguyên nhân từ việc phối hợp giữa Ủy ban và các bộ, ngành chưa hiệu quả.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm lớn đối với Ủy ban, nhất là khi hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty sẽ góp phần tăng ngân sách tại chính các địa phương.

Do đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban báo cáo Thủ tướng những bộ, ngành chậm hoặc không phối hợp triển khai nhiệm vụ.

Thủ tướng lưu ý, SMSC cũng như các bộ, ngành phải đổi mới tư duy chiến lược, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo, phục vụ, không phải là mệnh lệnh hành chính, quan liêu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt là không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và phải chủ động, tích cực thực hiện tốt hơn, hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước với nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, huy động sử dụng các nguồn lực xã hội, tiếp tục đưa doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt.

Đây là lực lượng tiên phong đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển; không ngừng sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin bài liên quan