Rất có thể, vì Covid-19, nên nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài sẽ không tham dự trực tiếp Diễn đàn như thường lệ, song sự chờ đợi về cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ không thay đổi.
Cách đây hơn 10 ngày, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thuộc Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, ông Sudo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã kể câu chuyện của riêng ông và doanh nghiệp Nhật, nhưng có lẽ hàm ý rộng hơn thế.
Chuyện là, ông và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam có dịp cùng đi thăm một địa phương ở nước ta. Chuyến thăm trở nên đặc biệt ấn tượng khi ông được nghe về tôn chỉ “10 lời hứa” do chính lãnh đạo địa phương chia sẻ.
10 lời hứa nói trên bắt đầu với nội dung là “đảm bảo cung cấp điện 24/24 giờ”.
Tiếp theo là “cấp giấy phép đầu tư trong vòng 3 ngày làm việc”, “đơn giản hóa thủ tục hành chính”, “bồi dưỡng lao động chất lượng cao”, “hỗ trợ tạo điều kiện thay đổi giấy phép đầu tư và các thủ tục mở rộng kinh doanh đầu tư”, “áp dụng thực hiện thủ tục khai thuế quan điện tử”, “phòng tránh xảy ra tình trạng tranh chấp hay đình công”, “thiết lập đường dây nóng tại UBND tỉnh” và “giải quyết kịp thời các kiến nghị từ nhà đầu tư”…
“Tôi đã vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng. Những lời hứa này gần như bao hàm hầu hết thách thức mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng, những nội dung lời hứa này được xây dựng trên cơ sở việc chính quyền tỉnh đã chân thành lắng nghe doanh nghiệp…”, ông Sudo chia sẻ cảm xúc với Thủ tướng Chính phủ và các đồng nghiệp trong Liên minh.
Thực ra, ông Sudo cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiểu rất rõ những khác biệt nhất định về hệ thống thủ tục hành chính, cũng như cách thức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác. Bởi vậy, nỗ lực dung hòa sự khác biệt, thu hẹp khoảng cách giữa quy định và thực thi từ chính quyền địa phương để tạo không gian kinh doanh thuận lợi nhất là điều mà các nhà đầu tư cảm thấy trân trọng. Họ tin rằng, nếu các sáng kiến tương tự lan rộng tới khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu trên, thì các nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lý do hơn để bắt đầu hoặc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Điều này vô cùng quan trọng vào thời điểm hiện nay, khi Covid-19 buộc giới đầu tư phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh, tính toán lại các địa chỉ đầu tư trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đang có một ưu thế mà giới đầu tư đánh giá là tuyệt vời. Đó là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dù bị gián đoạn bởi dịch bệnh, nhưng vẫn đang triển khai được. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, mở ra không gian thị trường rộng lớn… Ngay trong năm 2021 tới, nhiều văn bản luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xây dựng sẽ có hiệu lực, với nhiều sửa đổi tích cực.
Nhưng cũng chính vào thời điểm này, nhiều nền kinh tế cũng đang tìm cách thu hút dòng đầu tư chuyển dịch.
Cuối tuần trước, ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Indonesia cùng Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Chủ tịch Ủy ban Điều phối đầu tư nước này đã có chuyến đi tới Hàn Quốc. Nội dung chính của chuyến đi là ký Hiệp định Đối tác kinh tế toán diện song phương giữa Indonesia và Hàn Quốc, nhưng lịch làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, như Huyndai, LG, Posco… cũng đã được thu xếp. Báo giới Hàn Quốc cho rằng, việc Indonesia cử một phái đoàn gồm cả bộ trưởng lĩnh vực kinh tế quy mô lớn thăm Seoul thể hiện rõ mục tiêu thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc…
Trong cuộc cạnh tranh này, những cam kết, lời hứa từ sự lắng nghe chân thành là vô cùng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là sự chân thành trong thực thi cam kết và tiếp tục lắng nghe…