Cho dù Luật DN, Luật Đầu tư được xây dựng với tinh thần rộng cửa cho kinh doanh để đây không phải là một nghề rủi ro, thì định kiến DN là “buôn gian bán lận” trong tư duy của giới công chức vẫn còn rất đậm, thể hiện trong nhiều văn bản, chính sách và cả cách hành xử với DN. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng nói, nếu cơ quan quản lý nhà nước không đứng về phía DN, không hỗ trợ DN thì sẽ chẳng còn ai muốn khởi nghiệp...
Sự thất thế của DN
Kết thúc Hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT, điều mà đại diện Tổng công ty May Nhà bè, Công ty TNHH Minh Trí, Công ty May 10 và 2 DN dệt may nữa nhận được từ đại diện Bộ Công thương, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, sau những kiến nghị, than phiền, đề xuất, là: “Trong thời gian đợi ý kiến của Bộ Công thương, thì mọi việc vẫn sẽ thực hiện như quy định tại Thông tư 37”. Tất nhiên, ông Cường có nói sẽ ghi nhận các ý kiến để xem xét.
“Các ý kiến không còn gì ngoài hàng mẫu. DN cũng nói tiền không phải là vấn đề. Vậy mà ngày 29/4 (Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2016 - PV), Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) lại nói kiểm tra hàng trăm lần, mất nhiều chi phí. Có DN ở đây gặp không? Không à?”, ông Cường kết luận hội nghị.
Tóm lại, chẳng có gì thay đổi. Danh sách 96 lô hàng mẫu có giá 177 triệu đồng, nhưng phải mất hơn 199 triệu đồng tiền phí kiểm định mà May Nhà Bè gửi kèm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, với hy vọng sẽ chứng minh được cho lời kêu cứu “văn bản ra sau cột chặt hơn văn bản ra trước”, chẳng có ý nghĩa gì. DN tiếp tục phải chi trả như cũ.
Công ty Minh Trí tới đây nếu nhập 5 mẫu như lô hàng hôm 23/5 thì vẫn có thể phải đợi 3 ngày mới biết là được kiểm tra hồ sơ, rồi đợi tiếp để có được các giấy tờ trình hải quan làm thủ tục thông quan, nếu không biết mang Thông tư 37 ra đối chất với Viện Dệt may (cơ quan kiểm định mà Minh Trí chọn) như tư vấn của ông Nguyễn Phú Cường.
Còn việc DN kêu mất vài chục ngàn đô la để đi hội chợ, tìm được vài đối tác đồng ý cho làm hàng mẫu, nhưng mãi không được lấy mẫu ra để làm hàng chào; hay bị giữ lại 2 trong số 12 mẫu… là việc của DN. Trách nhiệm kiểm tra thực thi của Bộ Công thương, theo ông Cường, thì có, nhưng chưa thể ngay, vì Thông tư mới có hiệu lực được… 6 tháng.
“DN phải thông cảm với chúng tôi. Nếu bỏ kiểm tra mẫu thì ngay lập tức DN sẽ nhập cả nghìn chiếc, cả container nói là mẫu hết, nên không thể loại mẫu ra khỏi danh mục kiểm tra được”, ông Cường chốt lại.
Không DN nào phản biện thêm được gì. Ba người phát biểu trước đó âm thầm ra về, cũng không chia sẻ thông tin với báo chí. Đại diện của Công ty Minh Trí, dù cầm sẵn hồ sơ của lô hàng, vẫn không muốn tranh cãi vì... chẳng được gì.
Nếu lãnh đạo VITAS có mặt tại Hội nghị, thì không hiểu họ có thể xoay chuyển được gì, vì cả hội nghị được tiếng tổ chức để đối thoại với DN xem tại sao kêu ca Thông tư 37, chỉ có 5 DN đến.
Mọi việc trở nên khó hiểu khi trước đó lãnh đạo VITAS “tố” với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ rằng, Thông tư 37 gây khó cho DN. Ngay trước thời điểm Thông tư 37 có hiệu lực, VITAS cũng đôn đáo khắp nơi đề nghị xem xét lại, vì các kiến nghị của DN cho dự thảo trước đó không được để tâm.
Xem ra, câu hỏi mà Tổng công ty May Nhà Bè gửi tới Thủ tướng Chính phủ rằng, cơ quan quản lý nhà nước đồng hành với DN thế nào khi mà kiến nghị hoài không được tháo gỡ, vẫn còn để ngỏ. Sự thất thế đang nghiêng về những DN nhập mẫu thật…
Bức thư không tên người gửi
Hơn chục năm nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã quen với việc nhận những bức thư không ghi tên người gửi. Số thư nhận được đã dần kín tủ tài liệu. “Sau mỗi lần tôi trình bày về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở địa phương về là lại nhận được thư mới”, ông Tuấn kể và cho biết, lần này cũng vậy, sau chuyến đi mấy tỉnh đầu tháng 5/2016, ông lại nhận thêm một loạt thư kể khổ của DN.
Có một bức thư đặc biệt, viết bút bi trên tờ giấy ố vàng, phong bì phổ thông đơn giản, còn có lỗi chính tả. “Nét chữ gai góc này chắc của một người đàn ông lớn tuổi, đang đau đáu với những bức xúc quanh mình”, ông Tuấn chia sẻ ấn tượng về bức thư kể câu chuyện một DN nhỏ đáng ra có thể hoạt động không quá vất vả để trả lương công nhân và nộp thuế cho Nhà nước, nếu như hàng tháng không phải gánh đủ thứ phí mà ông ấy gọi là “đông như quân Nguyên”.
Không thể kể hết được thứ “thuế đen” đó, vì theo người viết thư, với những quy định pháp luật hiện nay, vi phạm là bất khả kháng. Bó thép 1 ly, thanh thép vuông, cuộn tôn nhỏ được cắt ra thì dán tem nhãn ở đâu được nên chắc chắn vi phạm quy định về tem nhãn hàng hoá. Quy định và áp dụng về quá khổ, quá tải cứng nhắc nên cứ vận chuyển ra đường là chắc chắn vi phạm quy định về giao thông. Rồi ông kể tới hàng loạt khoản thu định kỳ bất di bất dịch từ các đơn vị, cơ quan, tổ chức đoàn thể ở địa phương quanh nơi DN đóng đô…
“DN nhỏ này chắc cũng giống như hàng chục, hàng trăm ngàn DN khác ở Việt Nam. Họ không dám nói thẳng. Bức thư là một lời tâm sự, một tiếng thở dài”, ông Tuấn không giấu nổi cảm xúc.
Vốn là người không dễ kiềm chế cảm xúc, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư, Luật DN của Chính phủ, thường cao giọng khi nhắc tới những rủi ro từ môi trường kinh doanh đang treo trên đầu các DN mà ông được nghe, được nhìn trong suốt 16 năm thực thi Luật DN các phiên bản, kể từ năm 2000.
Ông Cung bức xúc vì nhiều vấn đề đã được đặt ra 16 năm trước, vẫn đang tiếp tục được đặt ra. “Tôi luôn hình dung tâm trạng của DN khi chỉ thấy thu và thu, số thu tăng và tăng, không thấy chỗ nào giảm. Với DN lớn, chi thêm vài ba triệu đồng có thể chưa là vấn đề, nhưng DN nhỏ có tác động rất lớn. Lớn hơn, đó là sự không an tâm trong kinh doanh. Có thể đây là nguyên nhân gốc rễ của con số DN giải thể nhiều đến thế, nhất là trong giai đoạn 2007-2015”, ông Cung nói.
Trong hàng loạt con số gây sốc mà Thủ tướng Chính phủ nhận được trong Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2016, tỷ lệ DN giải thể, dừng hoạt động lên tới 45,5% trong tổng số 941.000 DN trong 15 năm qua là con số đáng chú ý. Con số này của riêng năm 2015 là 80.000 DN, quý I/2016 là gần 23.000 DN.
Phân tích nội hàm các con số trên, có ý kiến cho là bình thường và cần thiết để DN Việt Nam tái cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Có ý kiến cho rằng, đó là bức tranh thực của DN Việt với vô vàn các cá thể li ti, chủ yếu hoạt động thời vụ và tranh thủ cơ hội… Nhưng ông Cung có cách lý giải khác. Những bất ổn kinh tế vĩ mô giai đoạn trước đã khiến sức lực của DN hao tốn nhiều. Kể cả lúc này, khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thì năng lực tài chính của DN cũng bị xói mòn rất lớn.
Trong câu chuyện về Thông tư 37, ông Cung tiếc khi không được mời dự hội thảo liên quan của Bộ Công thương. Ông cho rằng, kiểm định nhà nước trong trường hợp này là dịch vụ phục vụ quản lý nhà nước, là loại dịch vụ công, về pháp lý à thuộc thẩm quyền, và trách nhiệm của Bộ Công thương.
“Bộ Công thương không thể nói là Thông tư mới ra nên chưa kiểm tra được. Khi các DN than phiền về các đơn vị giám định mà Bộ Công thương chỉ định và ủy quyền thì Bộ phải có trách nhiệm”, ông Cung chia sẻ quan điểm và nhắc lại điểm chốt mà ông sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 37, đó là không tuân thủ yêu cầu của Nghị quyết 19/2015 về các nội dung cần sửa đổi tại Thông tư 32/2009/TT-BCT quy định về giới hạn đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm trên sản phẩm dệt may.
Đáng lẽ, lúc này phải là thời kỳ nuôi dưỡng, nâng đỡ, tạo ra một tinh thần khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh. Nhưng ông Cung chưa thực sự nhìn thấy những động lực đó trong tư duy xây dựng chính sách, trong cách hành xử với các quy định hiện hành liên quan đến DN.
“Khi tôi nghe các công chức nói là “đang làm đúng quy định” để trả lời những kiến nghị của DN, tôi thấy một sự vô cảm. Tại sao họ không nghĩ đến một phương án tốt hơn để đề xuất? Sự cô đơn, thất thế của DN chính là sự bất thường mà tôi muốn nói tới trong các con số DN giải thể, ngừng hoạt động”, ông Cung thẳng thắn.n
Kỳ sau: Đã đến lúc doanh nghiệp rũ bỏ vỏ ốc