Cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu bức thiết hiện nay

Cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu bức thiết hiện nay

Cải thiện môi trường kinh doanh, còn nhiều việc phải làm

(ĐTCK) Câu chuyện thời sự cải thiện môi trường kinh doanh đã trở thành chủ đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân vừa diễn ra tại Nghệ An.

Mối quan ngại về tính khả thi của việc hiện thực hóa những tư tưởng cải cách mạnh mẽ trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi lớn dần khi thời điểm có hiệu lực của 2 luật này (1/7/2015) đang tới gần, bởi kết quả rà soát các điều kiện kinh doanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành mới đây cho thấy, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại về điều kiện kinh doanh.

Con số văn bản pháp lý điều hành từ phía các bộ, ngành một lần nữa lại được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc đến tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân như một minh chứng cho sự rối rắm của hệ thống thể chế điều hành, khiến nhiều người không khỏi giật mình. Ông Cung cho biết, có tới 5.585 điều kiện được quy định trong 900 trang giấy khổ A4 về điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, hầu hết các điều kiện đều nằm trong cảnh báo “tám không” mà ông Cung đưa ra lâu nay như: không cụ thể, không hiệu quả, không hiệu lực, không tiên lượng được, không công bằng…

Đáng lo ngại là trong 5.585 điều kiện này, có tới hàng ngàn điều kiện được ban hanành trái thẩm quyền theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Đó là những điều kiện do thông tư các bộ ngành ban hành, thậm chí do cấp UBND huyện ban hành, trong khi luật quy định chỉ có cấp luật và nghị định mới được ban hành.

Đây là hệ quả của hệ thống ban hành văn bản chỉ đạo hành chính của các cơ quan nhà nước với tần suất dày đặc. Theo thống kê, trong một năm, Quốc hội ban hành khoảng 20 luật, Chính phủ ban hành trung bình khoảng 100 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng 100 quyết định, nhưng các bộ ban hành tới 700 thông tư, quyết định của bộ trưởng. Đó là chưa tính tới  hàng nghìn văn bản của UBND, HĐND các tỉnh và các công văn điều hành từ các bộ ngành.

“Điều này thể hiện sự can thiệp hành chính một cách quá mức của các cấp quản lý trong hoạt động kinh doanh, sự không rõ ràng trong pháp luật, dẫn đến việc phải đẻ ra các công văn điều hành để giải quyết cụ thể từng vấn đề của doanh nghiệp. Các cơ quan Nhà nước vẫn ôm đồm, thiếu chuyên nghiệp, ôm từ làm chính sách đến chủ sở hữu DNNN, nên thường không hiệu quả. Xu hướng này thường kéo theo cách quản lý bằng thông tư, thay vì bằng luật”, ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, cung cách quản lý theo điều kiện kinh doanh một cách không kiểm soát như vậy khiến thị trường méo mó, cạnh tranh không lành mạnh.

Cũng theo ông Cung, doanh nghiệp đang rất khổ vì thông tư hướng dẫn liên tục được ban hành và sửa đổi, làm nặng thêm cơ chế xin - cho, tạo sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán.

“Thông tư cứ đổi liên tục thì DN rất khổ. Các bộ ngành khi làm thông tư cần cân nhắc thông tư sẽ giải quyết vấn đề gì cho DN, tác động sẽ thế nào… Chỉ khi các cơ quan nhà nước không hướng dẫn luật bằng văn bản điều hành thì thị trường mới vận hành thuận lợi được”, ông Cung nói và đề xuất, từ ngày 1/7, các điều kiện kinh doanh ban hành trong các thông tư không tuân thủ các yêu cầu về mục tiêu đã được quy định tại Luật Đầu tư đương nhiên hết hiệu lực.

“Tác động của quyết định này tới môi trường kinh doanh sẽ vô cùng lớn, dù không mất một đồng xu nào và chỉ mất khoảng 1 tuần để thực hiện công bố”, ông Cung khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Du Lịch, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM kiến nghị, để cải cách môi trường kinh doanh, còn rất nhiều việc phải làm, chứ không chỉ là cải cách thủ tục hành chính.

“Thủ tục hành chính chỉ là một bộ phận nhỏ của nền hành chính, bên cạnh đó còn thể chế hành chính, bộ máy con người. Để cải cách môi trường kinh doanh, cần có sự cải cách đồng bộ những yếu tố này”, ông Lịch nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu bức thiết hàng đầu hiện nay để Việt Nam thoát khỏi vùng đáy và sẵn sàng bước vào giai đoạn hội nhập sâu hơn.

“Tiến trình hội nhập quốc tế đến tận cửa, nếu chúng ta không thay đổi, không cải thiện được môi trường kinh doanh thì chúng ta sẽ bị gạt ra khỏi sân chơi hội nhập. Tinh thần then chốt vẫn là phải biến lời nói thành hành động, nghiêm túc thực thi chính sách thì mới cải thiện được môi trường kinh doanh", bà Chi Lan nhấn mạnh.                                      

Tin bài liên quan