Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần thực chất hơn, quyết liệt hơn

(ĐTCK) Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã nâng bậc xếp hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu, thu hẹp dần khoảng cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với nhiều quốc gia, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng. 
Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần thực chất hơn, quyết liệt hơn

Thực tế này cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 19 cần mang tính thực chất hơn, quyết liệt hơn từ các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần có tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm trong việc ban hành cũng như cách thức thực hiện Nghị quyết mới. Đây là khuyến nghị được đưa ra tại Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM tổ chức sáng 2/11 vừa qua. 

 Toàn cảnh Hội thảo

Theo đánh giá của CIEM, trong giai đoạn 2014-2018, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Qua đó tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường cũng tăng lên. Chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia và địa phương được cải thiện và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn.

Cụ thể, báo cáo của Ciem cho thấy, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.

Trong 10 chỉ số của năm 2018, chỉ số về tiếp cận điện năng tăng ấn tượng nhất, từ vị trí 66 năm 2017 lên vị trí 27; đặc biệt, chỉ số khởi sự doanh nghiệp cũng tăng 19 bậc từ 123 lên 104.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo Báo cáo Doing Business 2019 đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017.

Nổi bật, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh, và cụ thể là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đó là cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Thế giới, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, thực hiện trong 25,9 ngày.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã ghi nhận đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ 2 về chi phí tuân thủ thấp nhất ( trong số 8 lĩnh vực được đánh giá).

Nhìn lại sau 5 năm, cùng với chỉ số khởi sự kinh doanh đã được cải thiện; cấp phép xây dựng duy trì thứ hạng tốt; tiếp cận điện năng liên tục tăng điểm, tăng bậc; đăng ký sở hữu tài sản năm 2018 lần đầu tiên có cải thiện; giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng có sự cải thiện nhờ việc công khai các bản án.

Trong khi đó, giao dịch thương mại qua biên giới, lĩnh vực liên quan nhiều tới hoạt động kiểm tra chuyên ngành, không có nhiều sự thay đổi về điểm số, nhưng giảm bậc. Hiệu quả logistics năm 2018 của Việt Nam được cải thiện nhiều nhất trong hơn một thập niên qua. Riêng giải quyết phá sản là điểm trừ của môi trường kinh doanh và hiện xếp thứ 133 thế giới.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2014 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Ciem), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số chưa đạt trung bình ASEAN 4 cả về điểm số và thứ hạng.

Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số. Trong 10 chỉ số của năm 2018, chỉ số về tiếp cận điện năng tăng ấn tượng nhất, từ vị trí 66 năm 2017 lên vị trí 27; đặc biệt, chỉ số khởi sự doanh nghiệp cũng tăng 19 bậc từ 123 lên 104.    

Đặc biệt, trong Bảng xếp Doing Business 2019 do WB vừa công bố, Việt Nam có tới 6 chỉ số bị tụt hạng. Tụt mạnh nhất là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giảm tới 45 bậc; chỉ số xuất nhập khẩu giảm 6 bậc; giải quyết phá sản giảm 4 bậc; cấp phép xây dựng tụt 1 bậc...

“Điều này cho thấy chúng ta đang đi chậm hơn trong khi các nước đang ra sức nỗ lực đẩy mạnh cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu không có những cải cách đột phá thì e rằng trong những năm tới, chúng ta khó có thể tăng bậc”, bà Thảo khuyến cáo.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tới đây sẽ rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay, từ đó tiếp tục cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh.

Bà Minh cũng đề xuất Bộ Tài chính phối hợp đảm bảo chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành. “Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày, giúp giảm 6 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình khởi sự kinh doanh”, bà Minh cho hay.

Đánh giá một cách tổng thể, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, loại trừ các yếu tố khách quan do WB chưa cập nhật kịp thời các tiến bộ cải cách của Việt Nam ở các lĩnh vực trong báo cáo năm nay, kết quả đánh giá của WB cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy không xấu hơn trước, nhưng tiến bộ chưa được như kỳ vọng... Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nhiều lần những gì đang làm và tăng tốc cải cách nhanh, mạnh mẽ hơn nữa.

Theo báo cáo Doing Business 2019, Vệt Nam có nhiều cải thiện tích cực trong 4 chỉ số thành phần như thành lập doanh nghiệp (tăng 19 bậc lên vị trí 104/190), tiếp cận điện năng (tăng 37 bậc lên vị trí 27/190), đăng ký tài sản (tăng 3 bậc xếp vị trí 60/190) và thực thi hợp đồng (tăng 4 bậc lên vị trí 62/190).

Trong đó, có 2 chỉ số cải thiện vượt bậc và ấn tượng là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng có điểm số lần lượt tương ứng là 84,82 điểm (so với 82,02 điểm trong báo cáo 2018) và 87,94 điểm (so với 78,69 điểm).

Tuy nhiên, nhiều chỉ số đã bị tụt hạng cả về điểm số và thứ hạng như thuế và bảo hiểm xã hội, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng, cấp phép xây dựng, giải quyết phá sản.

Đặc biệt 2 chỉ số thuế và bảo hiểm đã tụt khá mạnh tới sau top 100 (đứng thứ 131), chỉ số Phá sản doanh nghiệp liên tục đi xuống từ năm 2014 tới nay và hiện rơi xuống vị trí 133. 

Tin bài liên quan