Cải thiện môi trường kinh doanh cần liên tục để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại tại Việt Nam là những kiến nghị được nhiều doanh nghiệp, đại diện khu vực tư nhân và cả cơ quan hải quan đưa ra tại hội thảo có cùng chủ đề do Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) vừa tổ chức chiều qua 4/4 tại Hà Nội.

Theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký VPSF, trong những năm qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi hóa thương mại để hội nhập khu vực, quốc tế.

Sự nỗ lực và quyết liệt của Chính phủ thể hiện qua loạt Nghị quyết 19 đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, quan sát viên trong nước, quốc tế và bước đầu mang lại hiệu quả, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô, tăng trưởng từng ngành.

Cải thiện môi trường kinh doanh cần liên tục để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh 1 

Tuy nhiên, ông Giám cho rằng tiến trình cải cách, đổi mới đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục bởi trong thực tiễn, vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, giao dịch thương mại của doanh nghiệp cần phải được nghiên cứu, xem xét tháo gỡ để tạo động lực thực sự cho phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập của doanh nghiệp và tăng sức thu hút đầu tư cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút vốn đầu tư chất lượng cao.

"Việt Nam có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại của các đối tác lớn tại ASEAN. Đồng thời, thêm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản suất của các tập đoàn đa quốc gia, giúp nâng tầm nên kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới", ông Thái cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc đã tồn tại lâu nay mặc dù đã được doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan ban ngành song vẫn chưa được giải quyết khiến cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Điển hình như các vướng mắc trong thực hiện các thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là trong cấp phép xuất nhập khẩu, kiểm tra chất lượng hàng hoá, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, kiểm tra văn hoá).

Thậm chí ngay cả ở góc độ cơ quan nhà nước như hải quan, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan Ngô Minh Hải cho biết, thực trạng hoạt động kiểm tra chuyên ngành hiện nay chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra cộng với việc trao đổi trong kiểm tra chuyên ngành giữa các đơn vị liên quan còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện máy móc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế, hoạt động chưa hiệu quả.

Mục tiêu năm 2017 là giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu dưới 70h đối với hàng xuất khẩu và dưới 90h đối với hàng nhập khẩu; giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% xuống còn 15%.

Ông Hải thẳng thắn kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành cần cải cách mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa về khung thể chế, cách thức, phương thức kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Trong đó, danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành rõ ràng có mã HS; chế độ quản lý, hình thức, thời điểm kiểm tra, chi phí kiểm tra… cần minh bạch, dễ thực hiện, không chồng chéo.

Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, công nhận lẫn nhau và đẩy mạnh tiến độ triển khai, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hoá thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp; giảm chi phí cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-4: mục tiêu năm 2017 là dưới 70h đối với hàng xuất khẩu và dưới 90h đối với hàng nhập khẩu; giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% xuống còn 15%.

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký VPSF cho rằng, chỉ có thẳng thắn, trách nhiệm đẩy mạnh các hoạt động tham vấn, hợp tác và đối thoại từ cả hai khu vực công và tư, những khó khăn, vướng mắc và bức xúc lâu nay về chính sách, pháp luật cũng như cơ chế quản lý cũ mới có cơ hội được xử lý. Theo đó, VPSF đã xây dựng lộ trình, rà soát, đánh giá và xây dựng giải pháp cải cách trong năm 2017.

Tin bài liên quan