Cải thiện minh bạch, phát triển mạnh thị trường vốn

Cải thiện minh bạch, phát triển mạnh thị trường vốn

(ĐTCK) Để giúp thị trường chứng khoán đảm đương tốt “sứ mệnh” mới là kênh tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, giới chuyên gia đang chờ đợi Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách đột phá trong thúc đẩy phát triển thị trường.

Để đạt mục tiêu tăng GDP bình quân tới 6,5 - 7% trong giai đoạn 2016 – 2020, song song với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu bền vững, tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển” vừa diễn ra, ý kiến của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam phải đặc biệt quan tâm tới cải thiện mạnh mẽ tốc độ tăng năng suất của nền kinh tế.

Muốn vậy, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là phải thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển để không chỉ bù đắp cho phần khó cải thiện khả năng tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước, mà còn giúp nền kinh tế phát triển năng động và hiệu quả hơn về dài hạn.

Khu vực kinh tế nhà nước đang gặp khó trong cải thiện khả năng tăng trưởng do nợ công đang ở mức cao, nên khó có thể vay thêm vốn để gia tăng tốc độ và quy mô đầu tư.

Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đang ở ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA đang trở nên khó khăn hơn. Việt Nam bắt đầu phải tiếp cận với các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn, hay nói chính xác hơn là phải vay thương mại.

Từ thực tế trên, các chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam đang gặp khó trong tìm kiếm các nguồn vốn để đáp ứng cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GDP cao trong giai đoạn 5 năm tới, cũng như tài trợ vốn cho thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

“Bối cảnh đó cho thấy, không còn cách nào khác, Việt Nam cần rốt ráo triển khai các giải pháp để thúc đẩy thị trường nợ nội địa phát triển mạnh mẽ hơn. Qua đó giúp nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thuận lợi trong huy động các nguồn vốn nhãn rỗi trong xã hội đưa vào phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị.

Cùng quan điểm trên, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao và bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ khó đạt được nếu không có các cơ chế mới thúc đẩy thị trường vốn phát triển mạnh mẽ.

Để phát triển thị trường vốn hiệu quả và năng động hơn, các chuyên gia và giới đầu tư khuyến nghị cần đặc biệt ưu tiên cải thiện tính minh bạch, công bằng trên thị trường, để tạo được niềm tin trong giới đầu tư, qua đó họ mới an tâm bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán. Cùng với chất lượng hàng hóa cần được cải thiện, cần tháo gỡ các rào cản để giúp nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam dễ dàng hơn.

Để giúp thị trường chứng khoán đảm đương tốt “sứ mệnh” mới là kênh tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, giới chuyên gia đang chờ đợi Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách đột phá trong thúc đẩy phát triển thị trường, thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp tương tự như cách Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang thực thi đối với cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp.

Tin bài liên quan