Cuối tháng 6/2014, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) có vốn điều lệ hơn 358,6 tỷ đồng, tổng tài sản lên đến hơn 3.105 tỷ đồng nhưng tiền mặt chỉ “lèo tèo” hơn 14,3 tỷ đồng. Ngân lưu ròng từ hoạt động kinh doanh âm gần 27 tỷ đồng. Tổng nợ lên đến 1.127 tỷ đồng, bao gồm 105 tỷ đồng vay ngắn hạn, 333 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả và 689 tỷ đồng nợ dài hạn.
Tuy nhiên, NBB đã tìm thấy sự hồi sinh khi ký kết hợp tác với Creed Group. Nhà đầu tư Nhật này sẽ rót 600 tỷ đồng vào Dự án City Gate Towers thông qua việc mua trái phiếu dự án của NBB. Creed Group cũng cam kết mua 50% cổ phần tại 2 dự án căn hộ khác là NBB Garden II (11,51 héc-ta) và NBB Garden III (8,16 héc-ta). NBB có kế hoạch phát hành 4,6 triệu cổ phần cho Creed Group trong tháng 11. Giá bán sẽ là 19.800 đồng/cổ phần, thấp hơn 16% so với thị giá cổ phiếu hiện tại.
Gần đây, NBB đã phát hành 17,86 triệu cổ phần bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng vốn điều lệ lên 537,2 tỷ đồng. Trong năm 2014, Công ty cũng có kế hoạch phát hành 210 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trước mắt, việc Creed Group tham gia đầu tư vào NBB sẽ giúp NBB giảm mức vay nợ hiện tại, cải thiện dòng tiền và khởi động lại một số dự án. Việc bổ sung vốn mới này được cho là kịp thời và linh hoạt thúc đẩy khả năng tăng trưởng của Công ty.
Một DN khác, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng cũng đang nỗ lực tái cấu trúc dòng tiền. Động thái tập trung cải thiện dòng tiền gần đây nhất của tập đoàn này là OGC đang tiếp tục bán bớt cổ phần tại một số ngành kinh doanh mũi nhọn.
Đơn cử, OGC có kế hoạch bán 20 triệu cổ phần của CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH). Đã có 7,8 triệu cổ phần được bán, còn lại 12,16 triệu cổ phần tiếp tục được đăng ký bán từ ngày 17/9-14/10 sau 2 lần không thành công do chưa tìm được giá bán hợp lý. OGC hiện sở hữu 71,08% OCH, tương đương 142,16 triệu cổ phần.
Còn CTCP Hùng Vương (HVG) đã công bố sẽ phát hành riêng lẻ 300 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9 và 10. Tại thời điểm cuối quý II, nợ vay ngắn hạn của HVG lên đến 4.444 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khá cao, đến 1,9 lần. Với đòn bẩy tài chính cao, chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm “ngốn” của HVG 122 tỷ đồng.
Nếu đợt phát hành trái phiếu sắp tới thành công, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của HVG sẽ tăng nhẹ lên 2 lần. Công ty cho biết, số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để mua nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện tại HVG không có nợ vay dài hạn nên nhiều khả năng HVG sẽ dùng một phần số tiền này để thanh toán bớt nợ ngắn hạn.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng lên kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất 9%/năm, thấp hơn khá nhiều so với các khoản vay hiện tại của Công ty. Ngoài ra, dòng tiền của PDR dự kiến sẽ được cải thiện đáng kể khi PDR bàn giao một số căn hộ thuộc Dự án The EverRich 2 tại Quận 7, TP. HCM, và thu nốt số tiền còn lại. PDR cũng sẽ bán sỉ 60 trong tổng số 78 nền biệt thự thuộc dự án The EverRich 3, sát khu Phú Mỹ Hưng, với số tiền dự kiến thu về gần 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, PDR có kế hoạch sẽ mua lại một công ty khoáng sản vào cuối năm nay với kỳ vọng công ty này có đóng góp tích cực vào lợi nhuận và dòng tiền của PDR. Đầu tư vào bất động sản vốn là dài hạn, nên PDR cho rằng cần phải tìm kiếm các cơ hội kinh doanh khác tạo ra dòng tiền đều và ổn định để hỗ trợ cho lĩnh vực chính của mình.
Các chuyên gia cho rằng, điều cốt yếu trong quản lý DN là người lãnh đạo phải quản trị được dòng tiền vào và dòng tiền ra một cách suôn sẻ tại DN. Khi dòng tiền luân chuyển ổn định tại DN, sẽ giúp DN chủ động và dễ dàng hơn trong việc lập kế hoạch kinh doanh, góp phần tạo nên kỳ vọng mới cho nhà đầu tư.