Cải thiện danh tiếng doanh nghiệp từ quản trị công ty

Cải thiện danh tiếng doanh nghiệp từ quản trị công ty

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Danh tiếng công ty là nhân tố đảm bảo sự thành công và phát triển bền vững, dài hạn của doanh nghiệp. Trong đó, để xây dựng được danh tiếng doanh nghiệp, yếu tố quan trọng đến từ quản trị công ty. 

Tại hội thảo “Danh tiếng và niềm tin của doanh nghiệp - Góc nhìn từ ESG và Quản trị công ty” do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tổ chức ngày 20/9, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans (PVT), Chủ tịch Hội đồng Văn hóa quản trị công ty VIOD cho rằng, danh tiếng công ty được hiểu đơn giản là niềm tin, uy tín, danh hiệu công ty, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp; thu hút, giữ chân khách hàng, nhà đầu tư và nhân tài.

Ở chiều ngược lại, danh tiếng công ty là sự đánh giá và nhận định của công chúng, khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và các bên liên quan khác về một công ty.

Danh tiếng của một công ty được xây dựng dựa trên các hành vi, giá trị và hiệu quả kinh doanh của một công ty trong quá trình hoạt động; phản ánh mức độ tin cậy, uy tín và sự tôn trọng mà Công ty nhận được từ cộng đồng và các bên liên quan.

“Thực tế, danh tiếng công ty không chỉ xây dựng từ hiệu quả kinh doanh mà nó xuất phát từ cả một quá trình, ở đó có những hành vi và giá trị sẽ đem lại danh tiếng cho Công ty. Danh tiếng là tổ hợp của sự tin cậy, uy tín và tôn trọng, sâu trong đó là niềm tin. Niềm tin sẽ củng cố danh tính và danh tiếng tạo ra niềm tin”, ông Việt Anh nói.

Ông Việt Anh chỉ ra rằng, danh tiếng công ty sẽ đến từ độ tin cậy, an toàn và chất lượng từ hàng hoá hoặc dịch vụ; quy mô, lịch sử phát triển của công ty; danh tiếng của lãnh đạo công ty; quản trị công ty; chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm xã hội (CSR); chiến lược ứng phó với khủng hoảng truyền thông; văn hoá doanh nghiệp và đổi mới – sáng tạo.

Đặc biệt, yếu tố quản trị công ty đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng danh tiếng cho doanh nghiệp. Quản trị công ty là một phương thức, phương pháp một công ty được định hướng và kiểm soát.

Có 6 yếu tố từ quản trị công ty sẽ tạo dựng được danh tiếng cho doanh nghiệp. Thứ nhất là minh bạch và công khai thông tin, bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính, gắn với trách nhiệm giải trình.

Thứ hai là HĐQT hiệu quả và văn hoá quản trị phù hợp, xét theo năng lực và tính độc lập của HĐQT, năng lực CEO và ban điều hành; đồng thời, doanh nghiệp cũng phải có văn hoá quản trị phù hợp.

Thứ ba là việc bảo vệ cổ đông thiểu số. Quản trị công ty tốt phải đảm bảo bảo vệ cổ đông thiểu số; quyền biểu quyết và chính sách cổ tức..để công bằng các cổ đông với nhau.

Thứ tư là nhận diện và quản lý rủi ro; quản trị tuân thủ pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, thông lệ.

Thứ năm là doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cân bằng lợi ích ngắn hạn và dài hạn; chiến lược phát triển dài hạn, rõ ràng và bền vững.

Thứ sáu là phát triển bền vững ESG. Hiện nay, các tiêu chuẩn ESG đang trở thành phần quan trọng trong việc đánh giá Công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quản trị minh bạch, cam kết môi trường, trách nhiệm xã hội.

Các diễn giả tham gia tại đầu cầu TP.HCM.

Các diễn giả tham gia tại đầu cầu TP.HCM.

Văn hoá quản trị công ty tốt đảm bảo hiệu quả quản trị

Trong hoạt động quản trị công ty, ông Việt Anh nhấn mạnh đến văn hoá quản trị công ty. Văn hoá quản trị công ty tốt sẽ đảm bảo nên hiệu quả cho hoạt động quản trị công ty, xây dựng lòng tin; tăng cường hiệu quả quản lý; gắn kết nhân viên và tinh thần làm việc, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Văn hoá quản trị công ty là tổng hợp các giá trị, nguyên tắc, niềm tin và hành vi định hướng cách một công ty được lãnh đạo và quản lý. Nó bao gồm cách mà ban lãnh đạo, HĐQT và các phòng ban trong công ty được tương tác với nhau và với các bên liên quan như khách hàng, nhà đầu tư, đối tác và cộng đồng.

Văn hoá quản trị công ty không chỉ ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược mà còn tác động đến hoạt động hàng ngày, môi trường làm việc, và cách công ty phát triển bền vững. Nó được hình thành từ các yếu tố như phong cách lãnh đạo, quy trình ra quyết định, trách nhiệm giải trình và mức độ minh bạch trong quản lý.

Nói về sự khác biệt giữa văn hoá quản trị công ty với văn hoá công ty, ông Vũ Quang Thịnh, Thành viên HĐQT của VIOD, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital cho rằng, văn hoá quản trị công ty là một phần văn hoá công ty. Nếu văn hoá công ty là cách nghĩ cách sống cách làm của công ty, thì văn hoá quản trị công ty là cách nghĩ, cách sống, cách làm của HĐQT công ty, HĐQT cần thực hiện trách nhiệm giải trình, đại diện cho tất cả cổ đông, giám sát và làm nhiệm vụ báo cáo.

Do đó, để các doanh nghiệp thực hiện bồi đắp danh tiếng, ông Thịnh khẳng định, các thành viên HĐQT phải phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình đã được các cổ đông giao phó.

Còn Chủ tịch HĐQT PVTrans khẳng định: “Xây dựng danh tiếng công ty là một thách thức, nhưng không thể so sánh được với việc khôi phục một danh tiếng bị tổn hại”.

Tin bài liên quan