Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị “Cải thiện vược bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng” vừa diễn ra.
Báo cáo của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn nhắc lại những tồn tại hầu như chưa có chuyển biến, đó là thái độ thực thi, cũng như nỗ lực từ một số bộ ngành cho đến thời điểm này. Hiện tại, mới chỉ có một số rất ít bộ đã có những việc làm cụ thể để cắt giảm các điều kiện kinh doanh, trong khi rất nhiều cơ quan dường như mới chỉ bắt đầu.
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, mới chỉ có Bộ Công thương đã bãi bỏ, giảm hơn một nửa số điều kiện đăng ký kinh doanh, Bộ Xây dựng loại bỏ 89 điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý, đạt mục tiêu loại bỏ hơn 40% số điều kiện kinh doanh. Phần lớn các bộ ngành còn lại mới chỉ có đề xuất phương án bãi bỏ, hoặc chậm hơn là có báo cáo rà soát, chưa có phương án đề xuất cắt giảm.
Thậm chí một số bộ trì trệ đến mức còn chưa hề rà soát, chưa có thống kê số lượng điều kiện kinh doanh như Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường...
“Các bộ như những đoàn tàu, có bộ đã chuẩn bị đến ga cuối cùng, nhưng đến giờ này có bộ còn chưa vào ga xuất phát”, ông Cung cho biết.
Nếu không nỗ lực cải thiện vượt bậc, thì Việt Nam chưa chắc đã duy trì được vị thế, chưa nói tới tăng vị trí xếp hạng. Để cải thiện vượt bậc đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Tình trạng hiện tại là “nóng - lạnh” không đồng đều. Bộ nào chịu sức ép lớn thì cải cách mạnh, bộ nào chưa bị nhắc nhở thì ít có biến chuyển.
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Đáng chú ý, báo cáo của CIEM cho thấy, mặc dù năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo xếp hạng quốc tế gia tăng cả về thứ hạng và điểm số, xếp hạng tín nhiệm cũng được cải thiện, song những chuyển biến này vẫn chưa thực sự đồng đều về quy mô, lĩnh vực, cũng như tính quyết liệt của cải cách.
Tính đến thời điểm hiện nay, 2 chỉ số gồm đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản và giải quyết phá sản doanh nghiệp không có cải thiện, giảm điểm và tụt hạng. 2 chỉ số gồm khởi sự kinh doanh và giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng cuối bảng xếp hạng. Do số lượng thủ tục nhiều, thời gian thực hiện dài nên thứ hạng chỉ số khởi sự kinh doanh thấp và liên tục giảm trong 3 năm gần đây.
Theo bà Catherine Masinde, Trưởng ban Kinh doanh Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), đây là 4 chỉ số quan trọng nhất mang lại những chuyển biến thực chất cho môi trường kinh doanh, cũng như quyết định hiệu quả công tác cải cách và được nhiều quốc gia tập trung mọi nỗ lực để cải thiện.
“Việt Nam mặc dù đạt được nhiều kết quả tích trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, song vẫn còn chậm nếu so với nỗ lực của nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia láng giềng rất gần như Indonesia và Campuchia. Indonesia hiện đã tiến xa hơn khá nhiều trong cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, trong khi Việt Nam hầu như chưa có cải thiện đáng kể về chỉ số này”, bà Masinde nhận xét.
Theo gợi ý của đại diện WB, thay vì đề ra quá nhiều mục tiêu cùng lúc, Việt Nam nên tập trung làm tốt từng mục tiêu, cải thiện từng chỉ số, trong đó chú trọng cải thiện các chỉ số trọng tâm và nên so sánh tiến độ, cũng như học hỏi nỗ lực của các quốc gia láng giềng.
“Đây là cách đi nhanh và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam nên tập trung vào đẩy nhanh cải thiện 4 chỉ số quan trọng nhất, đặc biệt là về khởi sự kinh doanh, giải quyết phá sản của doanh nghiệp và cải thiện hệ thống tòa án. Đồng thời cải thiện việc cấp phép xây dựng ở các đô thị lớn để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, tăng niềm tin của doanh nghiệp”, bà Masinde gợi ý.
Cũng theo khuyến nghị của đại diện WB, trong những nỗ lực lớn để thu hẹp khoảng cách và đẩy nhanh tốc độ cải thiện các chỉ số một cách hữu hiệu, các nước đang tích hợp chia sẻ thông tin trên nền tảng công nghệ thông tin và đã có những kết quả rất tích cực trong cải thiện công tác đăng ký kinh doanh, đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện chất lượng thông tin cung cấp cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm rút ra từ thực hiện Nghị quyết 19 trong giai đoạn 2014 - 2017, ông Cung cho biết, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao, tạo tác động thực chất và toàn diện hơn tới môi trường kinh doanh. Về tổng thể, hoàn thành mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 - 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.