Khu tập thể 311 Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) xuống cấp nghiêm trọng (được xếp hạng cấp độ D) cần được cải tạo, xây mới. Ảnh: Thanh Sơn

Khu tập thể 311 Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) xuống cấp nghiêm trọng (được xếp hạng cấp độ D) cần được cải tạo, xây mới. Ảnh: Thanh Sơn

Cải tạo chung cư cũ tại Hải Phòng, vẫn còn gian nan

(ĐTCK) Không chỉ Hà Nội và TP.HCM, việc cải tạo các khu chung cư cũ tại Hải Phòng cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu cấp bách

Theo sở Xây dựng Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 205 chung cư cũ với hơn 7.200 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, có 169 khu chung cư xuống cấp, đặc biệt có 64 chung cư ở cấp độ D - cấp đặc biệt nguy hiểm cần phá dỡ, xây dựng lại, không bảo đảm cho người dân sử dụng. Ngoài việc bị xuống cấp, hư hỏng, mục nát ra, một vấn đề lo ngại khác chính là việc lấn chiếm, cơi nới đã làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, đe dọa rất lớn đến sự an toàn của cư dân.

Trước thực trạng này, từ năm 2015, Hải Phòng có chủ trương cải tạo các khu chung cư xuống cấp và bố trí 150 tỷ đồng ngân sách năm 2016 cho việc cải tạo chung cư cũ. Đến ngày 19/11/2016, chung cư cũ đầu tiên tại Hải Phòng đã được khởi công xây dựng lại là Chung cư U19 Lam Sơn, quận Lê Chân.

Tại Hải Phòng, lối vào các khu chung cư/khu tập thể cũ chỉ rộng từ 1,5 - 2 m, rộng lắm cũng chỉ khoảng 3 m

Ông Phùng Văn Thanh, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng cho biết, Thành phố sẽ xóa bỏ 178 chung cư để xây dựng lại và 27 chung cư phải cải tạo, nâng cấp. Tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Trong đó, Hải Phòng sẽ sử dụng 3.700 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để cho cho hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạm cư, sửa chữa 27 chung cư cũ. Phần vốn còn lại là 11.400 tỷ động sẽ được huy động theo hình thức BT để phá dỡ chung cư cũ, xây dựng 21 chung cư tái định cư, xây dựng hạ tầng trong phạm vi quy hoạch.

Hiện đã có 3 doanh nghiệp là Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy và Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng đề xuất tham gia.

Trong năm 2017, Thành phố phấn đấu khởi công 16 chung cư mới từ 6 đến 28 tầng với gần 7.000 căn hộ. Cụ thể, Chung cư U1, U2, U3 Lê Lợi dự kiến khởi công trong tháng 4/2017; Chung cư Đổng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 5/2017; Chung cư U19 Lam Sơn (quận Lê Chân) tiếp tục được thi công từ 1/4.

Ngoài ra, các chung cư như 47 Lê Lai, 311 Đà Nẵng, Đồng Tâm và Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền); chung cư An Dương và chung cư A48, 49 Lán Bè (quận Lê Chân); chung cư Đồ Sơn và Kiến An sẽ lần lượt được khởi công trong quý IV/2017. Một số chung cư xuống cấp còn lại sẽ được sửa chữa, khởi công xây dựng lại trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Khó kịp kế hoạch

Kế hoạch đưa ra là vậy, nhưng theo quan sát thực trạng hiện nay, kế hoạch cải tạo chung cư cũ của TP. Hải Phòng năm nay khó về đúng đích vì còn nút thắt. Tuy nhiên, khác với những nút thắt về quy hoạch, giải phóng mặt bằng như Hà Nội hay TP.HCM, nút thắt trong việc cải tạo các chung cư cũ tại Hải Phòng lại đến từ lối vào các khu chung cư/khu tập thể cũ, bởi  cơ bản lối vào này chỉ rộng từ 1,5 - 2 m, rộng lắm cũng chỉ khoảng 3 m.

Cụ thể, Chung cư U19 Lam Sơn sau hơn 4 tháng khởi công, hiện tiến độ dự án gần như án binh bất động vì không có lối vào công trường để di chuyển máy móc và nguyên vật liệu.

Theo ông Phạm Đức Hạnh, Trưởng phòng Quản lý Sở Xây dựng TP. Hải Phòng, không chỉ khu U19 Lam Sơn, Hải Phòng có khá nhiều khu chung cư cũ riêng lẻ, trong những ngõ sâu, triển khai xây dựng rất khó khăn. Vì vậy, khi giải phóng được mặt bằng mà không mở lối vào được từ các hộ dân xung quanh, thì dự án sẽ không triển khai được.

Một khó khăn khác là hiện nay, quỹ nhà tạm cư của Thành phố còn rất ít. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hải Phòng, quỹ nhà tạm cư của Thành phố chỉ còn khoảng 625 căn hộ, trong khi đó, nhu cầu bố trí tạm cư lên đến 2.000 căn hộ.

Mặt khác, để xây dựng các khu tái định cư cũng cần quỹ đất lớn và phải ở những vị trí thuận lợi, thì mới nhận được sự đồng tình của người dân. Chưa kể, khi đã có quỹ đất, thì công hoàn thiện thủ tục, xây dựng nhà tạm cư cũng phải mất khoảng 2 năm, nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, qua đó làm chậm kế hoạch cải tạo chung cư cũ của Thành phố.

Còn thực hiện theo hình thức BT, Thành phố cũng phải bố trí quỹ đất đối ứng cho doanh nghiệp. Song theo nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản, hiện đang có những ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp về các quỹ đất được Thành phố bố trí.

Như vậy, để kế hoạch cải tạo chung cư cũ đi đúng tiến độ, Hải Phòng sẽ phải tháo nhiều nút thắt, nhưng để tháo gỡ những nút thắt này không phải chuyện một sớm, một chiều.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan