Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 1.273 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990. Phần nhiều trong số các chung cư cũ đều hết hạn sử dụng và phân bố chủ yếu ở 4 quận nội đô.
Cụ thể, quận Ba Đình có 214 nhà, Hoàn Kiếm có 99 nhà, Đống Đa 415 nhà và quận Hai Bà Trưng có 244 nhà. Bản thân các tòa nhà này đã cũ nát, xuống cấp, lại phải oằn mình gánh thêm trọng lượng cơi nới diện tích sử dụng của các hộ dân, nên xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, đang rình rập tính mạng người dân hàng ngày.
Chẳng hạn, chung cư G6A Thành Công thuộc cấp độ D, cực kỳ nguy hiểm, buộc phải tháo dỡ. Tháng 4/2016, G6A cùng với 2 chung cư khác trên địa bàn là khu A tập thể Ngọc Khánh và nhà tập thể Bộ Tư pháp được đưa vào quyết định di dời của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian thuyết phục, cuối tháng 12/2016, hầu hết các hộ dân tại đây vẫn kiên quyết không chịu di dời bởi nhiều lý do như diện tích, giá đền bù, dịch vụ…
Để giải quyết tình trạng này, TP. Hà Nội đưa ra nhiều chủ trương, chính sách cải tạo, xây mới các chung cư cũ. Mới đây nhất, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị hoàn trả diện tích căn hộ tái định cư với hệ số K=1 với trường hợp tái định cư tại chỗ. Trường hợp diện tích căn hộ mới lớn hơn, thì chủ sở hữu phải trả tiền mua diện tích tăng thêm cho nhà đầu tư với giá thành xây lắp cộng 10% lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, những hộ ở tầng 1 đang kinh doanh được bố trí thuê 1 ki ốt để kinh doanh khi dự án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư hoàn thành. Đối với nhà thấp tầng, giá trị bồi thường theo thực tế diện tích sử dụng hợp pháp.
Trường hợp nếu di chuyển ra ngoài vành đai 3 thì được ưu tiên mua căn hộ với hệ số k = 2 tại dự án nhà ở thương mại do doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư làm chủ đầu tư.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Khả Phi, khu chung cư Thành Công phân tích: “Nhà tập thể gắn liền với quá trình cống hiến, phục vụ chiến đấu, lao động của người dân. Cấp nào tầng hai, cấp nào tầng ba, tầng bốn... Cái đó không nên bỏ qua, vì đó là tài sản vĩnh cửu của người dân, chứ không phải hôm nay xóa, mai cho. Đây không phải của bố thí, mà là quyền lợi bất di bất dịch của người dân”.
Theo ông Phi, điểm mấu chốt không phải là đền bù bao nhiêu tiền, mà phải công bằng, minh bạch. Nếu các cơ quan ban ngành không giải quyết được công bằng, minh bạch, thì đừng động vào tài sản của người dân.
“Công bằng không có nghĩa là cân đo đong đếm, nhưng mình phải nghĩ đến chuyện này để giải tỏa thắc mắc của người dân. Không phải tôi ở đây 5 mét rồi nhận lại 5 mét, vì khi xây lại kết cấu thay đổi, đời sống tiến bộ hơn”, ông Phi nhấn mạnh và cho biết, những người ở tầng 1 đóng thuế hơn 2,5 triệu đồng/năm, trong khi tầng trên đóng rất ít, nên khi xây dựng phương án đền bù cũng phải xem xét đến vấn đề này. Chưa kể, không biết khi cải tạo, xây mới, liệu vấn đề làm ăn, kinh doanh của các hộ ở tầng 1 có được thuận lợi như xưa hay không.
“Minh bạch là nghĩa vụ và quyền thụ hưởng của người dân, xuất phát từ người dân. Nhưng các cơ quan chức năng phải làm gương, tránh tình trạng lợi ích nhóm trong việc này”, ông Phi nhấn mạnh.
Tương tự, bà Đỗ Kim Vinh (chủ căn hộ 104), thành viên Ban đại diện chung cư G6A Thành Công cho biết: “Chủ trương quy hoạch cải tạo tòa nhà được tất cả các hộ dân đồng thuận. Tuy nhiên, điều người dân cần là sự minh bạch về chính sách tạm cư, tái định cư, tiến độ; mức tăng diện tích, hay vị trí “đất vàng” hiện tại của khu nhà cũ”.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Chúng ta phải làm rõ được bài toán chia sẻ lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ giữa 3 bên là chủ đầu tư - cư dân - Nhà nước. Tất cả những việc làm trên cần phải được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Nếu 70% cư dân đồng ý với phương án phân chia lợi ích được đưa ra lấy ý kiến, thì các bên cứ lấy đó làm cơ sở thực hiện”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com