Ðặc biệt là ứng xử với những ông chủ khoái phát biểu, khoái lên tiếng, nhưng lại thiếu vắng đi những đóng góp thực tế về tri thức, kinh nghiệm, tầm nhìn và nỗ lực góp sức cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp - điều mà về lý thuyết, Ðại hội đồng cổ đông là để bàn và xây dựng nên, sau khi lắng nghe các cao kiến của các cổ đông.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông, dù sở hữu 1 cổ phần, cũng có quyền và tiếng nói tại Ðại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, không ít đại hội diễn ra những cảnh “cười ra nước mắt”. Nhân sự tại một doanh nghiệp ngành dầu khí chia sẻ, tại đại hội, có nhà đầu tư đã lên tiếng trách rằng, công ty đang khó khăn, cổ tức không chia, tại sao lại đi in tài liệu 1 mặt?
Cổ đông này yêu cầu Ban lãnh đạo chỉ in những thông tin ngắn gọn, tóm tắt…, chứ không cần in cả, khiến Ban tổ chức không biết phải ứng phó ra sao.
Có cổ đông đề nghị, chúng tôi đi họp thì doanh nghiệp phải có… quà. “Cái lý” của cổ đông này là quà cũng lấy từ tiền Công ty, chứ có phải tiền Ban lãnh đạo đâu mà… không tặng người đến dự.
Một doanh nghiệp vốn có truyền thống tặng cổ đông 500.000 đồng mỗi lần họp, trong năm trước thay đổi chính sách thành quà tặng hiện vật liền bị một số cổ đông chất vấn, phản ứng.
Mới đây, cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông cổ đông thường niên Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) tổ chức không thành công do chỉ có gần 44% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.
Việc dành thời gian tham dự nhưng không họp được đã khiến nhiều cổ đông bức xúc. Không ít lời to tiếng vang lên tại Hội trường.
“Thư đến quá muộn” là một loại phản ánh của nhà đầu tư; “thư đến không đầy đủ” (một nhóm cùng đầu tư, nhưng chỉ có một chủ tài khoản nhận được thư); “chọn ngày họp không trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật” là một phàn nàn khác. Chưa kể, câu chuyện nợ xấu trong quá khứ của JVC không được xử lý cũng khiến cổ đông mất bình tĩnh.
Tạm chưa bàn đến tính pháp lý trong các kiến nghị, “cái lý” trực tiếp dẫn đến bức xúc của nhà đầu tư nội là giá cổ phiếu JVC sau khi rớt không phanh từ mấy năm trước, thì cứ “dậm chân tại chỗ” ở vùng đáy (dưới 3.000 đồng/cổ phiếu).
Những thành tựu của tái cấu trúc chưa thấy bằng con số, trong khi thông tin bất thường lại bắt đầu xuất hiện. Họ tiếc cái công đến rồi lại về…
Trong khi nhiều nhà đầu tư nội bị cuốn theo những bức xúc thì nhìn sang bên cạnh, cả dãy vali xếp hàng của nhóm cổ đông người Nhật Bản để trong hội trường, sẽ dễ thấy cái ngao ngán của các nhà đầu tư đến từ xứ sở "mặt trời mọc".
Họ đã bay những chuyến bay dài để kịp ra Hà Nội dự Ðại hội đồng cổ đông với hy vọng tìm ra giải pháp gì cho doanh nghiệp, nhưng kết cục cũng… về không.
Nỗi buồn của cổ đông trong một doanh nghiệp bị khủng hoảng là một thực tế không chỉ ở riêng JVC. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nỗi niềm của các doanh nghiệp khi phải đối diện với các chất vấn, câu hỏi vô bổ của cổ đông cũng không hiếm gặp trên thị trường.
Từ những câu chuyện quá khứ, có lẽ, với các doanh nghiệp, trước khi tổ chức đại hội, cần có giải pháp để cổ đông không phải đến rồi về. Với cổ đông, trước khi lên tiếng, kiến nghị, hãy nghĩ kỹ về cái lý, để tiếng nói của mình có giá trị cho doanh nghiệp, chứ không chỉ để “làm ầm”.