Việt Nam mới đang trong giai đoạn hình thành văn hóa chung cư. Ảnh: Thanh Huyền

Việt Nam mới đang trong giai đoạn hình thành văn hóa chung cư. Ảnh: Thanh Huyền

Cái lý, cái tình ở chung cư

(ĐTCK) Dù mỗi chung cư đã có những quy định riêng, nhưng để thực sự đi vào cuộc sống, đôi khi, mỗi cư dân đều phải nghĩ đến cái lý, cái tình trong không gian sống với nhiều đặc thù này.

Từ chuyện vật nuôi

Nhiều cư dân chung cư hiện nay được sinh ra từ làng, mang theo ít nhiều những thói quen văn hóa sinh hoạt, văn hóa sống của làng xã, buôn, ấp. Sinh sống ở nhà đất cũng có nhiều sự khác biệt và sự giao tiếp, va chạm trong môi trường sống hoàn toàn theo bề ngang đã gặp phải sự xung đột lớn khi phải chuyển sang môi trường xã hội theo cả chiều thẳng đứng.

Ngày trước, ở các làng quê, phần lớn đều có các hương ước, quy định những điều được làm, không được làm, nên làm, những chuẩn mực ứng xử giữa các cư dân. Theo thời gian, lũy tre làng dần biến mất, nhiều người dân nông thôn chuyển mình thành những cư dân đô thị, sống ở chung cư, làm việc ở các tòa nhà văn phòng, nhưng họ cũng mang theo trong mình cả những thói quen xưa.

Nhiều trường hợp ở nhà chung cư, nhưng chủ nhân vẫn thích nuôi vật, điển hình nhất là chó. Mới đây, không ít cư dân một dự án chung cư bên sông, thuộc quận Long Biên, Hà Nội đã phản ánh: “Ở chung cư mà lại có hộ nuôi chó. Mà không phải một hộ, tầng tôi ở có tới 3 - 4 hộ cùng nuôi. Những ngày nghỉ tưởng được yên tĩnh mà nghỉ ngơi thì toàn tiếng chó sủa”.

“Một con cất tiếng là các con còn lại cũng “đối đáp”, chẳng khác gì ở quê ngày xưa. Lắm lúc tôi tưởng mình đang ở quê, chứ chẳng phải một tòa chung cư hiện đại”, cư dân này bức xúc.

Đến nghìn lẻ câu chuyện khác

Một chung cư cao cấp khác, mặc dù chủ đầu tư đã bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng sạch đẹp và khang trang, nhưng cách mà không ít cư dân đang sử dụng nó lại khiến những người còn lại bức xúc.

Một cư dân phàn nàn, phòng sinh hoạt cộng đồng bị biến thành nơi các bà giúp việc cho các bé ăn và ngủ, nhiều mùi khai và nôn, trớ. Các bạn lớn hơn xuống chơi thì bị các bà này đuổi đi để cho các em bé ngủ. Cư dân này rất mong các chủ hộ nhắc nhở người giúp việc để cùng nhau xây dựng phòng sinh hoạt cộng đồng văn minh, sạch sẽ.

Ở chung cư không thiếu những chuyện bi hài, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Kim Lan, cư dân một khu đô thị cao cấp ở Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, chỗ chị rất hay, nhà nào mất cái gì, chỉ cần lên nhóm cư dân phản ánh, có khi sáng hôm sau ngủ dậy sẽ thấy đồ bị mất ở trước cửa nhà.

Cái lý, cái tình ở chung cư ảnh 1

Môi trường chật hẹp ở chung cư đòi hỏi các cư dân sống rộng lòng hơn. Ảnh: Thanh Huyền

Số là khu nhà chị Lan ở hầu hết đều gắn camera ở các khu vực công cộng, do đó, việc đăng đàn cũng khiến nhiều người vô tình cầm nhầm đồ vật nọ, đồ vật kia giật mình mà tự động đem trả về cho chủ cũ.

Nhưng những khu “trộm đạo có lương” như khu nhà chị Lan chưa nhiều. Thế nên, ở nhiều chung cư khác, không ít cư dân bị tâm lý ám ảnh mạnh mẽ vì nạn trộm cắp.

Mới đây, một cư dân Dự án FLC Garden City (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bức xúc đến mức in hẳn một tờ A4 với nội dung nhắc nhở những người hay vui tay cầm nhầm mũ bảo hiểm, với thông điệp: “Mua cái xe vài chục triệu để đi mà không mua nổi cái mũ vài chục nghìn để đội. Ý thức không đáng giá bằng tiền mua cái mũ”.

Dù vì bức xúc, nhưng việc dán bức tâm thư ngay cửa thang máy của nạn nhân nhận không ít lời chê, vì làm mất mỹ quan khu dân cư. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy một thực tế nhức nhối là nạn ăn cắp vặt ở nhiều chung cư vẫn thường xảy ra.

Lại một câu chuyện nữa, nhưng điều đọng lại nhiều hơn là cách hành xử của những nhân vật trong đó. Chuyện về đôi dép cũ của cư dân Nam Thế sống tại Chung cư Xuân Phương Quốc hội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ.

Anh Thế kể, người nhà anh đi đôi dép cũ đã sử dụng được 2 năm, một hôm, khi đang đứng ở cửa hiệu thuốc thì một bé trai được bố chở đi chơi qua cứ nằng nặc nhận là dép của mình. Chỉ cần có vậy, hai bố con anh kia nằng nặc đòi trả dép. Bực mình quá, người nhà anh Thế đã phải cho đứa bé đôi dép, đi chân đất về nhà với một nỗi ấm ức.

Câu chuyện của anh Thế đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, việc tùy tiện đòi đồ người khác đang sử dụng vì giống đồ đã mất của mình là rất vô lý. Cư dân Vũ Phương Ngân cho rằng, trẻ con có thể không nói, nhưng người lớn mà hành xử như vậy thì đây là lần đầu tiên được thấy, không hiểu họ dạy con kiểu gì.

Chỉ là câu chuyện ứng xử về đôi dép, nhưng rõ ràng, dưới góc nhìn đa chiều của hàng trăm con người, nó cũng mang đến những ánh nhìn khác nhau.

“Trẻ con chiều quá hóa hư, bé đòi dép, lớn lên sẽ đòi gì, ông bố chiều con như vậy cũng không đúng. Hành động tạo thói quen và dần dà sẽ là tính cách”, một cư dân khác bức xúc.

Tình chung cư

Dù có những câu chuyện cười ra nước mắt, nhưng ở chung cư, cũng có không ít câu chuyện về cái tình được nhiều người ngợi ca.

Chị Phạm Điệp, cư dân một dự án ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, vào lúc 2h15’ đêm ngày 5/5/2019, chị bị đau bụng dữ dội, nhà chỉ có chị và các con nhỏ. Bé lớn nhà chị thấy mẹ bị như vậy thì rất hoảng sợ lên đã gọi điện cho đội an ninh. Chỉ vài phút sau, các anh đã có mặt hỗ trợ đưa chị vào viện cấp cứu kịp thời, mặc dù hôm đó trời mưa to. Giờ sức khỏe của chị đã ổn định.

“Mình rất cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp của các anh và xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các anh”, chị Điệp tâm sự.

Tương tự, chị Dung, một cư dân tại đây cho biết: “Đó cũng là một trong những lý do làm mình quyết tâm trở thành cư dân chính thức của khu đô thị. Cảm thấy rất đáng sống và cảm động thực sự. Khi mình vào viện rồi, các bạn ý còn gặp con mình hỏi thăm tình hình của mình như thế nào nữa”.

Một trường hợp khác, chị Lê Hà, cư dân nơi đây cho biết, tối ngày 14/5/2019, nhân viên đưa hàng công ty là anh Nguyễn Văn Đức có giao hàng cho khách tại khu chung cư trên và có để quên 1 túi đựng tiền hàng, cùng giấy tờ kèm theo. Thật sự may mắn khi đội bảo vệ đã nhặt được và trả lại cho anh Đức.

Ở chung cư nói riêng, ở bất kỳ không gian sống nào khác nói chung, cũng đều có sự tương tác, giao tiếp, thậm chí va chạm giữa các thành viên. Tuy nhiên, việc ứng xử sao cho có cái lý, cái tình, vẹn cả đôi bề vẫn đang là câu chuyện thường nhật mà mỗi cư dân sẽ gặp phải.

Người Việt ta thường có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hay “Hàng xóm tắt lửa, tối đèn có nhau”, điều đó phần nào nói lên vai trò của các mối quan hệ ngoài huyết thống, nhưng vô tình được xếp đặt cạnh nhau trong một không gian sống chung.

So với nhà đất, cuộc sống ở chung cư còn đòi hỏi nhiều hơn ở mỗi cư dân sự cảm thông, thấu hiểu, hỗ trợ và giúp đỡ nhau. Có lẽ, không chỉ giữa các cư dân, mà cả với các đơn vị quản lý, vận hành, việc ứng xử sao cho văn minh, văn hóa, hợp tình, hợp lý vẫn là điều nên được coi trọng, cần được xem là tiêu chí trong tất cả các mối quan hệ, với tất cả mọi người.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan