Theo đó, không ít ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, biểu hiện trầm lắng là rõ rệt khi mà hai thị trường chính là TP.HCM và Hà Nội đều có dấu hiệu đi xuống ở cả nguồn cung lẫn sức cầu.
Tuy nhiên, những con số và dự báo của người trong cuộc lại cho thấy thị trường không gặp khó như lo ngại. Nói đúng hơn, khó khăn đã xuất hiện nhưng vào những giai đoạn, thời điểm cụ thể nó lại có tác dụng như những “cuộc thử lửa” để rũ bỏ những thành viên hăm hở vào thị trường với tham vọng ăn xổi, tìm ra những người thực sự chuyện nghiệp.
Nghĩa là trong cái khó, sẽ “ló ra” những người thực sự khôn ngoan!
Công bố báo cáo thị trường Hà Nội quý III, Savills thống kê có 13 dự án mới và giai đoạn mở bán tiếp theo của 18 dự án trước đó cung cấp ra thị trường 6.910 căn hộ, giảm 29% theo quý nhưng tăng 12% theo năm. Nguồn cung sơ cấp đạt 27.380 căn, giảm 2% theo quý nhưng tăng 14% theo năm. Đặc biệt, trong số 6.910 căn mới này, căn hộ hạng B chiếm đến 54%.
Còn Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thì cho biết, hết quý III, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở của các dự án tại TP.HCM giảm đến 44,5% (trong đó, phân khúc cao cấp giảm 25,9%, trung cấp giảm 32,6%, bình dân sụt giảm mạnh đến 69,7%).
Đọc các số liệu nói trên, có thể thấy hai điều: thứ nhất, thị trường Hà Nội dù giảm theo quý nhưng vẫn tăng theo năm; thứ hai, thị trường TP.HCM sức cầu vẫn rất lớn, chỉ là nguồn cung sản phẩm mới suy giảm trầm trọng do chính sách siết dự án mới của chính quyền địa phương này.
Và với thị trường bất động sản, sức cầu mới là nền tảng để kỳ vọng vào những bước phát triển tương lai.
Tất nhiên, có nhiều thử thách phải kể đến. Từ câu chuyện cháy chung cư đến việc khách hàng “ngại” mua sản phẩm hình thành trong tương lai do quảng cáo một đằng, sản phẩm thực một nẻo, tranh chấp cư dân và chủ đầu tư leo thang... Rồi câu chuyện Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách kiểm soát chặt tín dụng bất động sản khiến nguồn vốn phát triển dự án gặp khó.
Tuy nhiên, như đã nói, điểm sáng là trong khi sức cầu vẫn rất lớn thì những thách thức nói trên tạo ra sự thanh lọc. Đó là thị trường sẽ dần chỉ có chỗ cho những sản phẩm tốt, những doanh nghiệp vững về tài chính hơn bởi khi doanh nghiệp làm sản phẩm lỗi giao cho khách hàng thì sự quay lưng của khách hàng với những dự án sau của doanh nghiệp đó sẽ là tất yếu.
Ngoài ra, nhiều số liệu cho thấy thị trường vẫn đang tạo ra sự kỳ vọng khi mới đây trong báo cáo tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm 2018, TP.HCM cho biết, 10 tháng qua trên địa bàn thành phố này có 35.585 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, trong đó có 7,2% tức là khoảng 2.600 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời.
Thêm vào đó, quý IV liên tục có những dòng sản phẩm mới được ra hàng. Điều này tạo ra sự lựa chọn và nguồn hàng mới cho thị trường bất động sản những tháng cuối năm và đầu năm 2019.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng thị trường bất động sản cuối năm bao giờ cũng có những cơn sóng nhẹ. Con sóng này sẽ giúp thị trường sôi động hơn. Đặc biệt, đối với thị trường căn hộ, các sản phẩm đưa ra đúng nhu cầu của thị trường chắc chắn sẽ tạo ra những điểm sôi động trên thị trường bởi vì nhu cầu căn hộ của người dân vẫn còn rất cao.
Cũng theo ông Châu thì ở thời điểm thanh lọc thị trường, thanh lọc dự án như hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại và đưa thị trường đi lên thì cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp...; luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình…
Tóm lại, khi hầu hết khách hàng đã đủ thông minh và sự kỹ tính thì chỉ có làm thật, bán giá thật và quảng cáo thật mới có thể đi lâu dài với thị trường.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com