Cái giá của margin

Cái giá của margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi một công ty chứng khoán có thị phần hàng đầu thông báo giảm tỷ lệ margin vào chiều thứ Năm tuần trước (17/8), thị trường đã loan rất nhanh thông tin này như một chỉ báo cho một sự điều chỉnh.

Nhiều công ty chứng khoán khác cũng có hành động tương tự, hạ tỷ lệ margin và giảm giá chặn nền dù phải đến thứ Ba tuần này, quy định giảm margin 5-10% ở các mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán mới có hiệu lực, nhưng làn sóng bán tháo đã được kích hoạt từ phiên cuối tuần trước. VN-Index giảm hơn 55 điểm, thủng xa 1.200 điểm ở phiên cuối tuần - mức giảm gây sửng sốt cho khá nhiều nhà đầu tư.

Sửng sốt là bởi vĩ mô không có diễn biến gì xấu đột biến, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm, vậy tại sao thị trường giảm mạnh? Trong báo cáo cập nhật tới nhà đầu tư về thị trường chứng khoán tháng 7, SGI Capital nêu ra một thông tin đáng lưu ý là tỷ lệ margin thị trường đang tiếp tục tăng và tiến dần về vùng rủi ro (vượt 3,5% vốn hóa thị trường).

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay không chỉ nằm ở tình trạng margin tăng cao như đề cập của SGI Capital mà còn ở tình trạng cho vay vi phạm quy định của một số công ty chứng khoán thuộc loại lớn trên thị trường.

Theo quy định hiện hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tỷ lệ cho vay các mã chứng khoán đủ điều kiện cho vay ký quỹ mà các công ty chứng khoán được áp dụng tối đa là 50:50, tức là nhà đầu tư có 5 đồng được vay tối đa 5 đồng để mua chứng khoán.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có tình trạng công ty chứng khoán vượt rào cho vay các tỷ lệ 3:7, thậm chí 2:8. Với mức cho vay này, chỉ cần chứng khoán giảm 10%, nhà đầu tư lập tức cháy tài khoản. Ngay trong phiên chiều thứ Năm tuần trước, nhiều nhà đầu tư chơi kho (có 2 vay 8) đã phải bổ sung tài sản. Đây là lý do khi margin có tín hiệu bị siết, các lệnh bán tháo được tung ra dồn dập.

Nhìn về kỹ thuật, trong 20 phiên gần nhất, chỉ số đã có 5 phiên phân phối (phiên phân phối là phiên giảm trên 0,2% kèm thanh khoản cao, cho thấy lực bán chủ động là nhiều).

Theo phương pháp nhận diện đỉnh thị trường của William O’Neil, khi xuất hiện 5 phiên phân phối, nhà đầu tư nên chủ động quan sát và chủ động bán ra khi xuất các tín hiệu bán trên cổ phiếu. Do đó, nhiều nhà đầu tư chơi theo kỹ thuật cũng mạnh tay bán ra, chấp nhận cắt lỗ. Những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu có lãi lớn cũng thực hiện chốt lãi.

Những lý do trên đã góp phần tạo ra nhịp giảm của thị trường. Khi VN-Index gãy khỏi vùng hỗ trợ, nhiều khả năng sẽ bước vào một nhịp điều chỉnh sâu hơn, với hỗ trợ gần nhất quanh 1.160 điểm. Cũng cần lưu ý là thị trường đã tăng từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 8. Do vậy, các nhịp điều chỉnh tất yếu xảy ra, để dòng tiền cơ cấu chốt lãi, ra hàng trên những nhóm ngành có định giá đã cao.

Dòng tiền từ việc chốt lãi các nhóm cổ phiếu tăng nóng có thể tìm tới các nhóm ngành, doanh nghiệp cổ phiếu có vốn hoá trung bình, có triển vọng sáng trong những tháng cuối năm; trong đó bất động sản công nghiệp được nhiều công ty chứng khoán và giới chuyên gia khuyến nghị.

Triển vọng của nhóm ngành này ra sao, các doanh nghiệp nào dẫn đầu trong nhóm, cổ phiếu bất động sản công nghiệp còn có dư địa tăng trưởng… Những câu hỏi này được giải đáp trong chuyên mục Tiêu điểm của số báo này, cũng như sẽ có nhiều kiến giải tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp do Báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM ngày 24/8/2023 tới.

Tin bài liên quan