Cho đến giữa tháng 3/2014, các quỹ đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi đã trải qua 21 tuần liên tiếp bị rút ròng. Bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, cùng với việc phá giá tiền tệ ở Argentina, chỉ tăng thêm phần lo lắng cho các nhà đầu tư.
Nhưng, như cách nói của đại văn hào Mark Twain, những tin tức về cái chết của các thị trường mới nổi đã bị phóng đại. Đúng là đang có những lo ngại về triển vọng ngắn hạn của các thị trường này, nhưng hãy để ý đến một vài sự thật quan trọng khác.
Sự bất ổn là điều mà giới đầu tư hay nghĩ đến khi đề cập về các thị trường mới nổi. Nhiều nhà đầu tư đang hoảng sợ với những biến động gần đây, nhưng đó không phải là điều bất thường. Trên thực tế, đó mới là đặc trưng của các thị trường mới nổi chứ không phải là khoảng thời gian tĩnh lặng vài năm trước.
Từ năm 1995, mức biến động hàng năm của chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets Index là khoảng 25%, tương phản với mức 15% của chỉ số MSCI World Index các nước phát triển. Tuy nhiên, thanh khoản mở rộng bất thường từ Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hang Trung ương Nhật (BoJ), đã hấp thụ phần nào biến động, khi các nhà đầu tư tăng cường bơm tiền vào các tài sản rủi ro trong cuộc săn tìm lợi nhuận của mình.
QE đã nuôi dòng tiền đổ vào các thị trường mới nổi
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), chương trình mua tài sản khổng lồ từ các ngân hàng trung ương của các nước lớn và phát triển là cội nguồn của 60% lượng vốn đổ vào tài sản ở các thị trường mới nổi từ năm 2009 đến năm 2013. Với việc các gói nới lỏng định lượng này (QE) đang đi đến hồi kết, ít nhất là ở Mỹ, chúng ta đang trở lại với một môi trường bình thường hơn.
Các thị trường mới nổi có xu hướng trải qua những giai đoạn rung lắc mạnh, nhưng về dài hạn, chúng đều có mức tăng trưởng vượt trội so với các thị trường phát triển, bình quân cao hơn 1,5%/năm kể từ 1950.
Tại sao vậy? Đã có nhiều bài viết về câu chuyện tăng trưởng của các thị trường mới nổi, nhưng liệu bạn đã bỏ tiền vào đó hay chưa. Có một lý do cơ bản cho thành tích vượt trội của các thị trường mới nổi, đó là: biến động nhiều thì sinh ra rủi ro lớn. Các nhà đầu tư nên được thưởng cho hành động chấp nhận rủi ro và gắn bó lâu dài với các thị trường mới nổi.
Cũng bởi có rủi ro nên các thị trường mới nổi không dành cho tất cả mọi người. Với các nhà đầu tư bảo thủ, các tài sản ở thị trường mới nổi, đặc biệt là cổ phiếu, chỉ chiếm phần nhỏ trong danh mục của họ. Bỏ qua khía cạnh giá trị, với các nhà đầu tư này, loại tài sản ở các thị trường mới nổi đơn giản là… quá dễ bốc hơi.
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư có đủ khoan dung với rủi ro, các thị trường mới nổi có thể đóng một vai trò nhất định trong các quyết định đầu tư của họ. Hơn nữa, vẫn có cách để hạn chế rủi ro khi đầu tư vào tài sản ở các thị trường mới nổi, như đa dạng hóa danh mục.
Rẻ nhưng không hời
Vậy còn với ý kiến đối lập, rằng đây là thời điểm tuyệt vời để bỏ tiền vào tài sản ở các thị trường mới nổi, bởi chúng rất rẻ? Cổ phiếu nơi đây không đắt, nhưng đến giờ đã không còn hời như trước.
Chứng khoán các thị trường mới nổi đang được giao dịch ở mức giá bằng khoảng 11 lần thu nhập (P/E ~ 11 lần). Mức P/E này đang ở dưới mức trung bình dài hạn, nhưng mức trung bình dài hạn đó có tính cả các mức thấp, chỉ khoảng 7 đến 8 lần, của năm 2008 và của giai đoạn 1997 - 1998.
Tuy nhiên, hoạt động bán tháo gần đây đã tạo ra một vài cơ hội. Trong khi các cổ phiếu ngành tiêu dùng, các công ty internet và đặc biệt là ngân hàng có vẻ đắt thì bất kỳ cổ phiếu nào liên quan đến tài nguyên đều tương đối rẻ. Thách thức ở đây là, trong khi vẫn có một số món hời thực sự tồn tại, nhà đầu tư cần tinh mắt để nhìn ra chúng giữa đống gạch vụn.
Tại một thời điểm nào đó trong vài năm tới, tài sản ở các thị trường mới nổi có thể sẽ… trở lại sàn diễn. Nhiều trong số những lý do mà các nhà đầu tư bị lôi kéo đầu tiên đến với loại tài sản này đến nay vẫn đúng. Các nước đang phát triển có thể tăng trưởng nhanh hơn về dài hạn và nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển. Trên nhiều thước đo, từ dự trữ ngoại hối đến nợ công, các nước đang phát triển đang có cải thiện đáng kể, và trong một vài trường hợp, thậm chí còn tốt hơn nhiều thị trường phát triển.
Tin tốt cho các nhà đầu tư là, nhiều trong số những thách thức được miêu tả ở trên đang ngày càng được phản ánh vào giá. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư nên hành động thận trọng, chứ không nhất thiết phải kiêng khem.